.

Đòi hỏi một kỳ thi nghiêm túc, công bằng

Trong 3 ngày cuối tháng 5 này, hơn 1,2 triệu thí sinh cả nước dự kỳ thi tốt nghiệp chung cho cả hệ THPT và bổ túc THPT. Một kỳ thi đông nhất từ trước đến nay đồng thời cũng là kỳ thi chuẩn bị cho bước cải cách trong năm sau, chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp THPT đồng thời cũng là tuyển chọn ĐH và CĐ.

Chỉ là một kỳ thi nhưng nhiều tháng nay, nhiều diễn đàn, nhiều trang báo, nhiều chương trình phát thanh và truyền hình đã dành cho nó không ít giấy mực và thời gian. Bao trùm lên mọi nhận định và kiến nghị đôi khi rất khác nhau là cảm nhận chung, đây là một thử nghiệm nữa trong ngành giáo dục, nhưng liệu nó có mang lại điều gì tích cực không, hay cũng như bao thử nghiệm đổi mới giáo dục suốt mấy chục năm nay?

Kỳ thi còn diễn ra sau hai việc gây sốc, đó là năm học này có tới gần 20 vạn học sinh bỏ học, điều mà đến nay vẫn chưa tìm được sự nhất trí về nguyên nhân của nó và sự kiện thứ hai, NXB Giáo dục kiến nghị tăng 10% giá sách giáo khoa, trong khi 5 năm qua, NXB này lãi tới 300 tỷ đồng.

Cái “cảm nhận chung” ấy, tuy còn nhiều điều cần bàn nhưng nó cũng có cơ sở xã hội của nó, đó là công tác giáo dục của nước ta đang không theo kịp đà đổi mới, không đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, không tương xứng với vị trí then chốt mà nó cần phải có. Tình trạng tụt hậu của công tác giáo dục từ tư tưởng có tính cương lĩnh; từ nội dung, phương pháp, chất lượng dạy và học; từ quản lý; từ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của ngành… từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, không phải chỉ là lỗi của ngành giáo dục nhưng trước hết, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm chính.

Hình như chúng ta đã mắc sai lầm khi chưa đánh giá đúng vai trò có tính quyết định của văn hóa và giáo dục trong phát triển. Hình như chúng ta đã nghĩ một cách giản đơn rằng kinh tế phát triển thì sẽ kéo theo nó sự phát triển của văn hóa và giáo dục nhưng thực tế lại khác nếu không nói rằng chính văn hóa, giáo dục quyết định sự phát triển kinh tế. Chính vì thế, không chỉ gặp khó khăn, công tác giáo dục còn bị coi nhẹ, phải hứng chịu sức ép của nhiều luồng tiêu cực trên nhiều mặt hoạt động, không chỉ  tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích.

Nhưng sự bắt đầu không bao giờ muộn, kỳ thi này là như vậy. Có thể tỷ lệ tốt nghiệp không cao nhưng nếu kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, công bằng thì đây sẽ là một dịp tốt để đề cao phép nước, lập lại trật tự, kỷ cương, chống bệnh thành tích, bệnh địa phương cục bộ trong thi cử và từ cái đà này, làm tốt các kỳ thi sau, chấn chỉnh và chấn hưng toàn diện công tác giáo dục. Và đó cũng là dịp tốt để giảm đi tâm trạng ngờ vực, thiếu tin tưởng vào sự chuyển mình của ngành giáo dục hiện nay.

THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.