.

Giá trị đạo đức trong cuộc sống hôm nay

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Hồ Chủ tịch đã quan tâm vấn đề xây dựng đời sống mới, với nội dung đạo đức Cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.Có người cho thế là “cổ” và đã thưa lại với Người. Người vui vẻ giải thích “Cơm ta ăn, nước ta uống bao đời nay vẫn thế, có “cổ” không? Cái gì cũ mà tốt thì phải giữ gìn phát triển”.

Có thể nói, từ buổi ban đầu của chế độ mới, chúng ta đã may mắn có đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là đạo đức vốn có của dân tộc, rất gần gũi với mọi người, không có gì là cao siêu. Đạo đức ấy có trong cuộc sống nhân dân và được nhân dân thừa nhận, trở thành giá trị truyền thống Việt Nam.Chúng ta đang triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
 
Đã có rất nhiều cuộc thi thuyết trình, kể chuyện, trình diễn tiểu phẩm, ca hát với nhiều công phu tâm huyết, làm xúc động hàng ngàn người về sự cao đẹp của đạo đức Hồ Chí Minh.Nhưng chúng ta vẫn còn đó một băn khoăn: Học tập thì dường như không khó, nhưng làm theo thật không dễ.

Con người luôn mang trong mình Phật tính và tam độc tham, sân, si. Vốn có hai mặt thiện và ác, lớn lên với những nhu cầu về ăn, mặc, ở, v.v… đòi hỏi được đáp ứng, con người lại sống trong muôn ngàn quan hệ xã hội tác động đến những nhu cầu đó. Trong thời hiện đại, với cơ chế thị trường nhu cầu của con người ngày càng cao, phong phú và phức tạp. Và mong muốn được bằng người về hưởng thụ cũng là một tâm lý phổ biến. Đáp ứng được những mong muốn ấy, đòi hỏi ấy, con người cảm thấy thỏa mãn, sung sướng, hạnh phúc. Và cuộc đua tranh để đạt được đòi hỏi, mong muốn ấy là quyết liệt, không bao giờ dừng. Nhiều người trở nên mê muội bị cuốn xoáy đi trong cơ chế thị trường, không còn làm chủ được mình.

Đạo đức Hồ Chí Minh không thể có, hoàn toàn xa lạ với những ai tự cho mình có những đòi hỏi quá đáng, những dục vọng thấp hèn và sẵn sàng chà đạp tất cả để đạt được những đòi hỏi ấy, mong muốn ấy.Phải làm cho mọi người có đòi hỏi đúng đắn, có mong muốn lành mạnh (chúng ta thường nói văn hoa là có ước mơ lớn) và có (chỉ dùng) phương cách tốt đẹp để đạt tới. Phương cách ấy đương nhiên là đúng pháp luật và theo tinh thần hài hòa giữa mình và người, giữa cá nhân và cộng đồng. Chỉ có như vậy thì mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội mới có đạo đức.

Không thể bằng phê phán mặt trái của cơ chế thị trường hay giáo dục mọi người đừng quá ham làm giàu, đừng chen chân vào cuộc đua tranh làm giàu… để xây dựng đạo đức.Biểu dương phát huy những tấm gương vì con người, vì cộng đồng, khơi dậy lòng nhân ái, điều tốt trong con người là rất cần thiết. Nhưng trước hết phải xác định cho mọi người chỗ đứng trong cơ chế thị trường phải hành xử như thế nào với chính mình và với mọi người trong cơ chế ấy, phải yêu và có trách nhiệm với đất nước này vì tất cả những gì đã có trong lịch sử và vì đất nước này đang trở thành giàu mạnh văn minh với một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Trong một đất nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ và văn minh, cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư không bao giờ cổ, nội dung của cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư luôn được cập nhật.Và chúng ta sẽ cảm nhận từ thực tế cuộc sống “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.