.

Hội chứng lây nhiễm tâm lý

Trong thuật ngữ y học, có nhắc đến một cụm từ “hội chứng lây nhiễm tâm lý”. Tức căn bệnh do tâm lý gây nên, chẳng hạn như bệnh đau tập thể, bệnh ngất xỉu tập thể, thường xảy ra ở một số lớp học, trường học mà chúng ta đã được biết…

Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày, bệnh “hội chứng lây nhiễm tâm lý” lại xảy ra khá nhiều và đa dạng mà tác động của nó đem lại vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả một đất nước, thậm chí lan rộng ra khu vực.

Đơn cử một chuyện nhỏ như: khi chúng ta chạy xe trên đường, nhìn thấy một vụ tai nạn giao thông thì theo tâm lý, tất cả mọi người đều nhìn về phía đó, thậm chí không ít người dừng xe lại, hệ lụy của việc này gây ra cảnh ùn tắc giao thông, đôi lúc do mải nhìn nơi tai nạn mà người đang tham gia giao thông lại tự gây ra tai nạn cho chính mình.

Đó là việc nhỏ, còn ở những việc lớn hơn, “hội chứng lây nhiễm tâm lý” lại đem đến tác hại khôn lường. Mà vụ việc gần đây nhất là cảnh nhà nhà đổ xô đi mua gạo về tích trữ, đã đẩy giá gạo tăng lên chóng mặt, chỉ trong vòng một buổi sáng giá gạo tăng đến 3 lần và tăng gần 30% so với mức giá bình thường. Từ những thông tin bên vỉa hè, một chị nội trợ lan truyền, rồi hai chị, ba chị… đến hàng trăm người khác đổ xô

đi mua gạo, cho dù trong lúc đó gạo nhà mình vẫn đủ

ăn cho cả tháng. Đến lúc này chính quyền các cấp đã vào cuộc, quyết liệt ngăn chặn ngay nạn đầu cơ, ghim hàng tăng giá của một số người lợi dụng theo tin đồn. Có thể thấy, tác hại lớn nhất của vụ việc này là nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế nước nhà.

Trong trường hợp này, nếu người tiêu dùng bình tĩnh suy xét (không bị ảnh hưởng bởi hội chứng lây nhiễm

tâm lý) thì có thể nhận định rằng: Việc thiếu gạo ở thị trường trong nước rất khó xảy ra. Bởi, Việt Nam vẫn là nước sản xuất nông nghiệp mà cây trồng chủ yếu là lúa. Thứ 2, chúng ta hiện là quốc gia xuất khẩu gạo đứng ở vị trí thứ nhì thế giới và năm nay các tỉnh ở Nam Bộ được mùa lúa. Vậy không lý gì mà chúng ta thiếu gạo?

Tâm lý của người Việt Nam chúng ta có một cái dở là dễ bị cuốn hút vào số nhiều, vì thế trong kinh doanh, nhiều người không bình tĩnh đã gây nên hiệu ứng “đôminô” như cảnh cùng nhau đến rút tiền ở một ngân hàng trước đây, rồi việc cùng đổ xô mua vào cổ phiếu của một doanh nghiệp A, đẩy giá trị của nó vượt khỏi giá trị thực, để rồi lúc bán ra cũng ào ạt như khi mua vào bất chấp cảnh phải chịu lỗ.

Chính vì vậy, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo trước các tin đồn, tránh rơi vào vòng xoáy của “hội chứng lây nhiễm tâm lý”.

THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.