.

Khoảng trống dịch vụ y tế kỹ thuật cao

Trong lĩnh vực dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe có nhiều hiện tượng và thông tin chính thức đáng để chúng ta suy ngẫm:

Theo khảo sát mới đây của Bộ Y tế, trong vài năm gần đây, mỗi năm nước ta có khoảng 30 ngàn người có thu nhập cao, có nhu cầu ra nước ngoài chữa bệnh, với tổng chi phí từ 500 triệu đến 1 tỷ USD.  Nguyên nhân chính là do phần lớn cơ sở y tế của nước ngoài có chất lượng dịch vụ cao, công tác chăm sóc người bệnh tốt. Đây là con số thực sự làm bất ngờ nhiều người!

Tại Đà Nẵng, không ít trường hợp bệnh nhân nặng, nhất là các bệnh nan y, thường chuyển viện đến các cơ sở y tế của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, hoặc Huế để xét nghiệm chẩn đoán và điều trị. Việc chẩn đoán ban đầu tại các cơ sở y khoa Đà Nẵng dường như chưa tạo được sự tin cậy cao đối với người bệnh, năng lực và phương tiện chữa trị còn nhiều hạn chế so với hai đầu đất nước.

Đà Nẵng hiện chưa có một trung tâm dịch vụ y tế cao cấp nào có đủ quy mô và uy tín xứng tầm, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phát triển dịch vụ y tế cao cấp hầu như chưa làm được. Nhiều người nước ngoài khi cần khám bệnh và để được cơ quan bảo hiểm y tế của nước họ chấp thuận chi trả thì phải tìm đến đúng bệnh viện đạt chuẩn quốc tế theo quy định, ví dụ Bệnh viện Việt - Pháp, nhưng nếu khám tại Đà Nẵng thì đành chịu!

Tình hình càng trở nên khập khiễng khi thành phố của chúng ta trong thời gian đến sẽ sở hữu nhiều ngôi vị “5 sao” về dịch vụ khách sạn nhà hàng, resort, sân golf… trong khi lĩnh vực đặc biệt quan trọng là chăm sóc sức khỏe thì lại hầu như chưa đạt tầm... khu vực miền Trung và quốc gia, chứ chưa nói đến đẳng cấp châu lục. Thậm chí khi vào Website thành phố Đà Nẵng, người xem dễ dàng nhận ra rất nhiều thứ được quảng bá, nhưng để tìm được một địa chỉ đáng tin cậy về dịch vụ khám chữa bệnh hoặc mua dược phẩm thì không có?
 
Thiết nghĩ đây là những biểu hiện mất cân đối trong định hướng chiến lược đầu tư, là hạn chế trong khả năng dự báo đón đầu nhằm kích hoạt các tiềm năng phát triển. Với những lợi thế riêng có, Đà Nẵng có đủ điều kiện tối cần để vươn lên trở thành một trung tâm dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe đầu đàn của khu vực miền Trung và cả nước. Đã đến lúc cần có định hướng và ban hành chính sách nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển lĩnh vực này, xem đó là mắt xích quan trọng trong tổng thể chiến lược phát triển các ngành dịch vụ của thành phố.

Bên cạnh việc kiện toàn những cơ sở y tế hiện có, tập trung cải thiện chất lượng khám và chữa bệnh cho cộng đồng, cần tạo ra hướng đột phá mới bằng cách thu hút đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng hoàn chỉnh các khu phức hợp y tế kỹ thuật cao, tạo tiền đề triển khai mô hình dịch vụ cao cấp về y tế và chăm sóc sức khỏe.

Thông qua đó có điều kiện phân luồng nhu cầu dịch vụ tùy theo khả năng tài chính của người bệnh, giảm bớt áp lực quá tải hiện nay. Gắn kết chặt chẽ việc quy hoạch mới các khu dân cư đô thị, khu kinh doanh thương mại-du lịch với các khu đa chức năng bao gồm các loại hình dịch vụ cao cấp về giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao... hình thành nên một quần thể đồng bộ vừa phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, vừa cung cấp các loại hình dịch vụ chất lượng hoàn hảo theo tiêu chuẩn quốc tế cho khách trong nước và nước ngoài.

Vĩnh Phước

;
.
.
.
.
.