.

Lạm bàn về lãi suất

Ông Jonathan Pincus, một chuyên gia kinh tế của thế giới đã nói rằng: Lúc lạm phát, lãi suất là một công cụ hữu hiệu thu hút tiền từ ngoài lưu thông vào hệ thống ngân hàng để từ đó giảm áp lực lạm phát. Về mặt lý luận, quan điểm này hoàn toàn chuẩn xác. Lãi suất có tác dụng mềm mỏng trong việc điều tiết lượng cung tiền trong nền kinh tế.

Thông qua lãi suất, tiền được hút vào và bơm ra lưu thông một cách từ từ, chậm rãi và nói chung sẽ ít gây sốc đối với thị trường. Do vậy, lãi suất luôn luôn và bao giờ cũng là một công cụ sắc bén mà Ngân hàng Trung ương thường hay sử dụng để làm tăng hay giảm khối lượng tiền trong lưu thông. Ngân hàng Trung ương Việt Nam cũng nhận thức rất rõ vấn đề này. Vậy thì tại sao, cho đến nay Ngân hàng Trung ương vẫn chưa sử dụng công cụ lãi suất để góp phần vào công cuộc chống lạm phát?
Cần phải nhìn nhận vấn đề từ bối cảnh nền kinh tế và tiền tệ của Việt Nam.

Kể từ năm 2004 đến những tháng cuối năm 2007, dư nợ tín dụng của hệ thống Ngân hàng Thương mại Việt Nam tăng lên một cách nhanh chóng nhằm mục tiêu phục vụ cho tăng trưởng kinh tế với những con số hằng năm đầy ấn tượng.

Rõ ràng tăng trưởng kinh tế là tốt. Tuy nhiên, tăng trưởng của Việt Nam hầu hết chỉ dựa vào vốn là chính (nhân tố vốn góp đến 60% tốc độ tăng trưởng kinh tế).Những tháng cuối năm 2007 đầu 2008, tình hình thế giới có nhiều diễn biến không thuận, hầu hết các nền kinh tế đều vướng vào cơn lốc lạm phát. Việt Nam cũng bị đè nặng bởi cơn lốc này. Đầu năm 2008, Chính phủ đã đề ra mục tiêu quan trọng số một là kiềm chế và đẩy lùi lạm phát nhằm tìm kiếm sự tăng trưởng trong dài hạn. Nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương là hút bớt lượng tiền trong lưu thông về bằng các công cụ trực tiếp và gián tiếp của mình.

Để có thể nhanh chóng rút tiền về, Ngân hàng Trung ương đã thực thi ngay hai biện pháp, đó là tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và yêu cầu các Ngân hàng Thương mại mua bắt buộc 20.300 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Bằng hai biện pháp tương đối mạnh tay này, Ngân hàng Trung ương đã hút về một lượng tiền đáng kể trong lưu thông nhưng đồng thời cũng đã phần nào gây sốc đến thị trường. Lẽ ra, để kiềm chế lạm phát thì Ngân hàng Trung ương phải rút thêm tiền về bằng công cụ lãi suất (tức nâng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại như chúng ta đã từng làm trong những năm 1990 của thế kỷ trước).

Tuy nhiên, theo thiển nghĩ của người viết bài này, nếu tiếp tục áp dụng biện pháp nâng cao lãi suất tiền gửi để thu hút tiền gửi (như một số báo đã phân tích gần đây) thì  đương nhiên các doanh nghiệp sẽ phải chịu một mức lãi suất cao hơn hẳn so với hiện nay (mức lãi suất cho vay hiện nay cũng đã gây nhiều ta thán cho doanh nghiệp và người dân), và như vậy nền kinh tế sẽ phải gánh chịu thêm một cú sốc nữa. Cuối cùng có thể phần nào kiềm chế được lạm phát trong trước mắt nhưng sẽ không có lợi cho nền kinh tế trong dài hạn.

Nội dung của câu chuyện lãi suất có lẽ chỉ gói gọn trong một vài biện giải trên đây. Thực ra, không một Ngân hàng Trung ương nào không biết lãi suất là công cụ điều tiết lượng cung tiền một cách có hiệu quả nhất, ít gây sốc nhất. Vấn đề là áp dụng như thế nào và áp dụng vào lúc nào để đạt được hiệu quả một cách tối ưu nhất.

Minh Huy

;
.
.
.
.
.