.

Làm theo Người là đền ơn Người

Với người Việt Nam, tháng 5 là tháng tập trung nhiều sự kiện đáng nhớ trong năm: Ngày 30-4, quân giải phóng cắm cờ trên dinh Độc Lập, chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng và ngày 1-5, toàn miền Nam được giải phóng, ngày hòa bình đầu tiên trên toàn cõi Việt Nam sau hơn 30 năm chiến tranh.

Ngày 1-5 cũng là ngày Lao động Quốc tế, toàn thế giới đấu tranh cho quyền lợi của người lao động. Ngày 7-5, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 9-5, kỷ niệm chiến thắng phát xít, kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Ngày 19-5, kỷ niệm Ngày sinh của Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc, người mở ra một thời đại mới cho đất nước Việt Nam…

Chỉ trong một tháng, diễn ra hàng loạt sự kiện đáng nhớ để khi xâu chuỗi lại, có thể hình dung được những mốc chính của lịch sử đất nước hơn thế kỷ qua: Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng của giai cấp công nhân;  Mặt trận Việt Minh đứng về phe đồng minh chống phát xít; Cách mạng Tháng Tám thành công; tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đánh thắng “hai đế quốc to”; non sông thu về một mối, chấn hưng đất nước trong hòa bình… những mốc son lịch sử ấy đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng và sự nghiệp của một con người vĩ đại - Hồ Chí Minh.

Con người ấy đã vĩnh biệt chúng ta 39 năm nhưng tư tưởng, sự nghiệp, cuộc sống của Người còn mãi với con cháu. Di sản Hồ Chí Minh là  ngọn hải đăng, là cẩm nang để ta soi vào đó, đọc trong đó mà tìm ra lối đi, giải đáp hàng loạt vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống hôm nay và mai sau. Di sản Hồ Chí Minh còn là kho báu, là tầng vỉa lớn về trí tuệ, đạo đức, phẩm giá để ta tìm hiểu, khai phá vì những mục đích nhân văn. Trong di sản Hồ Chí Minh, đạo đức đóng một vai trò to lớn và càng tìm hiểu, nghiên cứu càng thấy mới mẻ, kỳ lạ. Nhân kỷ niệm lần thứ 118 Ngày sinh của Người và cũng nhân cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ta cùng nhau trao đổi đôi điều.

Nói đến đạo đức, lâu nay người ta thường nghĩ về việc giữ gìn lương tâm, danh dự, phẩm giá ở một con người theo một đạo lý được xã hội đó đề cao. Đối với các Nho gia, đạo lý đó là rèn mình, giữ mình theo những tiêu chuẩn nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của Nho giáo. Đối với Phật gia, đạo lý đó là rũ bỏ tham, sân, si để đạt tới từ bi, bác ái… Tuy ít nhiều khác nhau nhưng hầu như mọi trường phái triết học đều có chung quan niệm cốt lõi của đạo đức là quá trình hoàn thiện cá nhân. Nhưng với Hồ Chí Minh, cốt lõi của đạo đức lại là suốt đời hy sinh phấn đấu cho độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân; người có đạo đức là người dám hy sinh vì dân tộc, vì giai cấp, vì những người bị áp bức trên toàn thế giới. Theo Hồ Chí Minh, hoàn thiện mình chỉ là phương tiện, là điều kiện để phục vụ cho những mục đích cao cả vừa nêu trên. Cho nên, nói đến đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết là tận tâm phục vụ dân, phục vụ nước.

Hoàn thiện mình là những đòi hỏi thường trực hằng ngày, hằng giờ; ở tất cả các mặt của cuộc sống; là tấm gương dễ thấy nhất nhưng đồng thời cũng khó rèn luyện để  trở thành tấm gương nhất. Trong một khoảnh khắc tỏa sáng của phẩm chất, người ta có thể hy sinh thân mình vì một mục đích cao cả nhưng sẽ rất khó với ngay chính người đó để giữ mình suốt đời. Bởi thế, nhân dân luôn nhìn vào những tấm gương trong sạch, vì nước quên thân vì dân phục vụ  để đánh giá cán bộ, đảng viên của một đảng cầm quyền. Những người có chức, có quyền nếu còn giữ được cần, kiệm, liêm, chính thì chính quyền đó còn thương dân, vì dân. Chính quyền còn thương dân, vì dân thì dân còn tin, còn ủng hộ. Ý nghĩa sống còn trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là ở chỗ đó.

Mỗi năm có một tháng 5. Mỗi lần tháng 5 tới, chúng ta lại có dịp nhớ lại những sự kiện đánh dấu những bước chuyển quan trọng của lịch sử và mang lại cho những sự kiện lịch sử ấy những ý nghĩa mới, nội dung mới. Tháng 5 năm nay, cả nước bước vào đỉnh cao của cuộc vận động từ học tập sang vận dụng những điều đã học để làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, thiết thực lập công dâng Người.

VŨ DUY THÔNG 

;
.
.
.
.
.