Tôi vừa đọc bản tin: “Sáng..., tại bãi biển Cửa Đại, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ mít-tinh, diễu hành hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2008 và Ngày Môi trường thế giới 5-6... Trên 1.000 người tham dự lễ mít-tinh, diễu hành bằng xe đạp và ra quân dọn vệ sinh môi trường dọc bờ biển Hội An từ An Bàng đến Đồn Biên phòng 260, và tại các cơ quan, đơn vị, nhà dân theo chương trình Một giờ vì Hội An sạch hơn...”.
Những tin như vậy nhan nhản trên các báo lâu nay ở cả Trung ương và địa phương: Tuần lễ vệ sinh an toàn thực phẩm; Tháng an toàn giao thông; Tháng phòng chống cháy nổ... Bây giờ lại thêm: Một giờ vì Hội An sạch hơn! Đó là cách nghĩ và cách làm đã cũ. Mỗi một đợt “ra quân” như vậy thường dẫn đến những hệ quả: phải có kế hoạch, dự toán, dự kiến người tham gia, thuê chỗ và vật liệu làm sân khấu, âm thanh, cờ xí... Sau ra quân lại đến sơ kết, tổng kết, liên hoan... Và quan trọng nhất là rất tốn thời gian của những ai được (hay bị) mời tham dự! Đôi chỗ, đôi lúc những việc như vậy cho thấy tính hình thức nổi trội hơn là tác dụng thực tế. Và sau đó lại tái diễn điều mà ta vẫn hay ta thán: chuyện đầu voi đuôi chuột!
Trong khi Quốc hội và nhiều cơ quan đã dày công soạn thảo, nghiên cứu, biểu quyết và ban hành các luật về Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ, đường thủy và nhiều thứ luật khác nhưng lại ít được thực thi trong thực tế... Câu hỏi đặt ra là: Luật pháp không lẽ chỉ được thực thi trong những lần “ra quân” như vậy?
Theo lẽ thường thì các cơ quan bảo vệ luật pháp chuyên ngành, cơ quan tố tụng và chính quyền các cấp và cả mọi người dân đều phải thi hành luật sau khi đã được công bố. Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp ở các nước thượng tôn pháp luật là: Ai cũng phải biết luật sau khi nó đã được phổ biến rộng rãi. Cán bộ, công chức làm việc ở các cơ quan bảo vệ pháp luật và công chức nói chung đã được trả lương (từ thuế của dân) thì phải làm nhiệm vụ mà mình đã được phân công, nay lại thêm “trợ cấp”, “bồi dưỡng” cho những lần ra quân như thế thì gánh nặng ngân sách lại phải gánh thêm một lần nữa. Nếu có một thống kê chi phí toàn quốc cho những chiến dịch ra quân như vậy, tôi tin là sẽ không nhỏ hơn chi phí về hội họp, mà Thủ tướng Chính phủ vừa kêu gọi giảm tối đa!
Cho nên, đổi mới cũng đừng nên bỏ sót những chuyện tưởng như nhỏ đó để góp phần giảm chi phí từ ngân sách.
NGUYỄN HOÀNG SA
.
.
Nghĩ về những đợt “ra quân”...
Thứ Tư, 14/05/2008, 09:17 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.