.

Siết chặt kỷ cương hành chính từ việc nhỏ

Để siết chặt kỷ cương hành chính trong năm 2008, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 1866/QĐ-UBND (ngày 4-3-2008) về kế hoạch thực hiện tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức (CBCC). Không phải đến bây giờ kỷ cương hành chính mới được coi trọng, trước đó Trung ương và thành phố đã ban hành không ít văn bản về vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 129/2007/QĐ-TTg, Chỉ thị 05/CT-TTg (ngày 31-1-2008); Bộ Nội vụ có Quyết định số 03/2007/BNV; Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 11/CT-TU (ngày 20-10-2003) và Nghị quyết 09/NQ-TU (ngày 14-4-2004); UBND thành phố ban hành Quyết định 104/2006/QĐ-UBND (ngày 30-11-2006)… Tuy văn bản nhiều nhưng việc thực hiện kỷ cương hành chính vẫn chưa nghiêm, ngay từ việc nhỏ. Trong đợt kiểm tra không báo trước hồi đầu năm nay tại một cơ quan cấp sở, Thanh tra Sở Nội vụ đã phát hiện và lập biên bản 5 công chức không đeo thẻ công chức. Đây là đơn vị hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều tổ chức, công dân nhưng không hiểu vì sao họ không muốn công khai cho người dân biết tên, chức vụ của mình.

Tiếp đến là ở Phòng Tài nguyên-Môi trường địa phương nọ có một công chức trẻ nhưng thái độ làm việc rất quan liêu. Nhận hồ sơ hành chính của dân rồi “ngâm” gần 4 tháng với hai lần hướng dẫn. Rốt cuộc hồ sơ phải bổ sung thủ tục làm lại từ đầu. Lại đến xã H., mới đây, “bất tuân thượng lệnh” vẫn vận động dân ủng hộ ngân sách khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu chấm dứt gắn việc giải quyết thủ tục hành chính với vận động dân ủng hộ tiền kể từ 30-12-2007 theo Quyết định số 21/2007/QĐ-UBND. Thế nhưng lãnh đạo xã vẫn “ngây thơ”: Cứ tưởng dân tự nguyện là đúng. Còn lãnh đạo huyện thì cho rằng: Đúng Luật Ngân sách nhưng vận dụng không tế nhị(?!).

Dư luận gần đây xôn xao trước một sự việc “động trời” hơn. Một công chức của cơ quan có nhiệm vụ bố trí đất tái định cư ở khu dân cư mới đã ra giá với một công dân là 30 triệu đồng sẽ được bố trí lô đất đẹp, ở ngã ba. Cầm tiền xong, vô tình biết được người này đang làm việc tại một cơ quan bảo vệ pháp luật, anh ta vội đem trả lại tiền với lý do: Lô đất ấy đã được bố trí cho người khác mất rồi. Một cán bộ thanh tra được giao nhiệm vụ xác minh việc này cho biết, đấy chỉ là một vụ loại thường thường bị lộ thôi. Vụ việc này rốt cuộc cũng chỉ xác minh là có thật nhưng danh tánh người vòi tiền lẫn người đưa không được tiết lộ vì đã khắc phục hậu quả!?

Qua những vụ việc này cho thấy kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chỉ dừng ở chỗ triển khai, hô hào rồi bỏ đó. Kỷ cương hành chính vẫn phụ thuộc vào nhận thức của CBCC, đặc biệt là phụ thuộc vào thái độ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nếu lãnh đạo duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật chắc chắn công chức thuộc quyền khó thoát khỏi tầm giám sát khi thi hành công vụ. “Dám ăn cắp một quả trứng gà, ắt có ngày sẽ lấy trộm cả con bò”. Nhận chút tiền bồi dưỡng lúc đầu sau sẽ sinh tật vòi vĩnh, “mặc cả” với dân. Kỷ cương hành chính đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt ngay từ hành vi rất nhỏ là đeo thẻ công chức, từ thái độ làm việc nghiêm túc, ứng xử có văn hóa, không ăn cắp giờ làm việc của Nhà nước. Kỷ cương lỏng hay chặt cũng phụ thuộc vào sự gương mẫu, tiên phong thực hiện của lãnh đạo đơn vị và thái độ nghiêm khắc xử lý công chức vi phạm kỷ cương hành chính.

Chỉ thị 11/CT-TU và Nghị quyết 09/NQ-TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đi vào cuộc sống đã hơn 4 năm cần được sơ kết đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Có như thế, kế hoạch tăng cường kỷ cương hành chính từ năm 2008 trở đi có tính khả thi hơn và cũng là tiền đề để cuộc vận động cải tiến lề lối làm việc theo gương Bác Hồ sắp triển khai sẽ thực chất hơn. 

HOÀNG ANH
                                     

;
.
.
.
.
.