.

Tầm nhìn làm nghèo đất nước

Từ đầu tháng 4 đến nay, vấn đề thiếu điện và tác hại của thiếu điện, của tình trạng cắt điện luân phiên để thải bớt phụ tải diễn ra ở khắp các địa phương trong cả nước đã trở thành vấn đề thời sự không chỉ trên báo chí. Do nước các hồ cạn hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, do những sự cố bất thường ở một số nhà máy nhiệt điện; do một số công trình nhiệt điện chậm tiến độ…

Là những nguyên nhân đã nhiều lần được ngành điện nhắc đến. Còn nguyên nhân của tình trạng thiếu điện được nhiều tổ chức và cá nhân ngoài ngành điện nhắc đến thì chủ yếu lại là do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quá nóng khiến nhu cầu năng lượng tăng lên ngoài dự kiến; ngành điện còn chưa thoát khỏi cách sản xuất, kinh doanh độc quyền và chuyện thiếu điện triền miên, lặp lại năm này qua năm khác đã chứng tỏ sự yếu kém về tầm nhìn chiến lược của những người trong ngành, rộng hơn, của những chiến lược gia kinh tế.

Nhiều người từng thuộc lòng một câu nói kinh điển về ý nghĩa của việc “điện khí hóa toàn quốc” và khẩu hiệu “Điện lực đi trước một bước”. Nhưng trong nền kinh tế hiện nay, điện lực có “đi trước một bước” hay đang bị khá nhiều ngành kinh tế bỏ lại phía sau? Vì sao có tình trạng đó? Khi tìm câu trả lời, người ta nghĩ ngay đến tổng sơ đồ phát triển lưới điện toàn quốc với rất nhiều bất cập về dự báo chiến lược, về các mục tiêu đầu tư phát triển lưới điện của bản tổng sơ đồ này rồi sau đó mới tính đến các nguyên nhân khác. Dễ thông cảm cho những người xây dựng tổng sơ đồ vì vào thời điểm đó, chưa có đủ những dữ kiện cần thiết cho việc dự báo. Nhưng dù có thông cảm thì vẫn phải cay đắng để nhận ra rằng họ không phải là những chiến lược gia biết “nhìn xa trông rộng”, họ không phải là những người đất nước không thể thiếu vì chúng ta cần những người dù không đủ dữ kiện vẫn dự báo đúng còn nếu đã đủ dữ kiện thì không có họ, nhiều người vẫn có thể dự báo được.

Do không dự báo đúng về nhu cầu điện tăng đột biến, khí hậu có nhiều thay đổi bất thường, lượng nước tự nhiên ngày càng giảm, giá cả biến động… nên hằng năm, cứ đến đầu hè ngành điện lại tái diễn tình trạng cắt điện luân phiên, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho sản xuất, kinh doanh; xáo trộn đời sống của người dân. Nhưng đâu chỉ có ngành điện.

Trong nền kinh tế của ta hiện nay, tầm nhìn hạn hẹp, dự báo không đúng đang là căn bệnh phổ biến ở hầu hết các ngành, các chương trình, dự án mà hàng trăm dự án treo, chương trình mía đường, chương trình đánh bắt cá xa bờ, chương trình 5 triệu héc-ta rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, v.v… là vài thí dụ trong vô số những thí dụ. Không chỉ những chương trình, dự án đã làm và đã thất bại, có những chương trình, dự án chưa làm đã không tạo được lòng tin vào thắng lợi, như việc đề phòng trái đất nóng lên có thể ngập hàng triệu héc-ta đất ven biển, vấn đề an toàn năng lượng, vấn đề an ninh lương thực… Hóa ra, tổn thất lớn nhất lại không chỉ xảy ra trong sản xuất, kinh doanh mà còn từ sự thiển cận, thiếu trách nhiệm của những chiến lược, chương trình, dự án làm nghèo đất nước.

VŨ DUY THÔNG 

;
.
.
.
.
.