.

Tầm nhìn trong quy hoạch

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh đề cập tới việc quy hoạch cho tương lai phải tính ngay từ bây giờ. Đối với giao thông ở đô thị lớn nhất miền Trung này, cần phải nghĩ việc xây dựng đường tàu điện ngầm. Hiện nay thì chưa nhưng chắc chắn vài ba chục năm nữa sẽ phải triển khai.

Nếu không quy hoạch ngay từ bây giờ, liệu sau này có quy hoạch được, khi mà dưới lòng đất đụng đâu cũng móng nhà. Ngẫm lại điều đồng chí Bí thư Thành ủy nêu, quy hoạch đường tàu điện ngầm ngay từ bây giờ là vô cùng cần thiết. Nếu chậm trễ sẽ trả giá quá đắt, bởi thực hiện được sẽ phải phá bỏ nhiều công trình kiên cố trên đó. Liệu ý tưởng có tầm nhìn xa trông rộng này, Viện Quy hoạch đô thị đã tính đến?

Không ai có thể phủ nhận thành tựu nổi bật trong phát triển đô thị ở Đà Nẵng những năm gần đây. Quy mô không gian đô thị lớn gấp nhiều lần so cách đây hơn 10 năm. Thành phố mở cửa ra biển, nhiều khu dân cư, công trình kiến trúc ra đời đã tạo tầm vóc mới, văn minh, hiện đại cho thành phố bên sông Hàn. Thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác quy hoạch.      

Tuy nhiên, quy hoạch đô thị ở Đà Nẵng thời gian qua vẫn còn không ít bất cập, không ít công trình phải trả giá quá đắt do quy hoạch chưa đúng tầm. 20 năm trở lại đây, người dân Đà Nẵng phải chứng kiến sự phá bỏ của nhiều công trình ra đời trước đó chưa lâu. Khi Nhà hát Trưng Vương đưa vào sử dụng (năm 1985), người dân Đà Nẵng tự hào về công trình hoành tráng giữa lòng thành phố. Nhưng rồi vừa đúng 20 năm sau, công trình đầu tư hàng chục tỷ đồng ấy bị đập bỏ, nhường chỗ cho nhà hát mới cùng tên hoành tráng hơn. Nếu tính về kinh tế, mỗi năm Nhà hát Trưng Vương chịu tổn thất hàng tỷ đồng. Đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi Đà Nẵng xây dựng đường Điện Biên Phủ có dải phân cách, nhiều người đã thấy “ngợp” vì đường quá rộng.

Thế mà chỉ hơn 10 năm sau, con đường cửa ngõ ấy quá chật hẹp so lưu lượng tham gia giao thông. Lại phải mở rộng. Với kích thước như hiện nay, ít năm nữa tuyến đường này sẽ quá tải do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn. Và thế là lại tốn kém, lại phải đầu tư để mở rộng. Không ít khu dân cư rất bức bối khi đường chỉ rộng 3,5m. Rồi, biết bao dự án sau đè lên dự án trước; cốt nền công trình ra đời sau cao hơn công trình trước cả mét, buộc công trình xây dựng trước phải phá bỏ, nâng mặt bằng. Ở đô thị, đất đai khai thác tối đa xây dựng khu dân cư, ít có công trình công cộng, làm không gian đô thị có dạng hình hộp. Diện tích dành cho công viên, cây xanh còn quá ít. Đó là chưa nói, một số hồ ít ỏi còn lại, vẫn có người tính chuyện lấp để khai thác quỹ đất…   
        
Đà Nẵng mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Công tác quy hoạch còn phải đảm đương nhiều trọng trách nặng nề hơn. Quy hoạch như thế nào, xây dựng như thế nào để thế hệ mai sau vẫn hài lòng với những di sản cha ông để lại là vấn đề vô cùng quan trọng hiện nay. Thành phố sẽ phát triển với quy mô lớn hơn nhiều lần hiện tại, đó là điều tất yếu. Điều quan trọng là tạo không gian đô thị hài hòa. Các khu dân cư bố trí nơi ở cho nhân dân là vô cùng cần thiết, nhưng không thể khai thác quỹ đất tối đa như hiện nay. Giữa các khu dân cư rất cần không gian của công trình công cộng, có thể là khu vực trồng hoa,  trồng cây xanh…
 
Các hồ nước đã có là tài sản vô giá của một đô thị, không thể lấp đi, bởi ai cũng biết, chính các hồ ấy là nơi cân bằng sinh thái lý tưởng nhất… Để Đà Nẵng không lạc hậu trong tương lai, hôm nay công tác quy hoạch phải đặc biệt chú trọng. Trước hết phải đổi mới tư duy trong quy hoạch, cần tính đến lợi ích toàn cục, lợi ích lâu dài, không bó hẹp trong lợi ích trước mắt. Vấn đề quy hoạch phải hội đủ trí tuệ tập thể, có tầm  nhìn chiến lược. Có vậy mới hạn chế được thiệt hại do quy hoạch không đúng tầm gây nên.

Bên canh đó, Viện Quy hoạch đô thị, nơi quy tụ các nhà kiến trúc sư, cần tham khảo, tiếp cận thành tựu ở các thành phố hiện đại trên thế giới để áp dụng cho thành phố mình. Đồng thời, quy hoạch rất cần tham khảo ý kiến nhân dân, thậm chí phải trưng cầu ý dân. Bởi nhân dân là những người hiểu hơn ai hết cần phải xây dựng cái gì, xây dựng như thế nào cho hôm nay và cho tương lai.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.