.

Thủ phạm đâu?

Dù hệ lụy vẫn còn nhưng dẫu sao cơn sốt giá gạo cũng đã bị kiềm chế sau hàng loạt giải pháp được coi là mạnh tay. Nhưng ai dám bảo đảm một cơn sốt tương tự sẽ không tái diễn, khi mà chỉ cần một tin đồn phát ra từ góc tối nào đó trong thị trường này cũng đủ làm chao đảo hàng triệu con người?

Khi xảy ra sốt gạo, tất cả các nhận định, thậm chí là khẳng định, rằng nguyên nhân là do đầu cơ. Nhưng cụ thể ai là người đầu cơ thì đến nay cơ quan Quản lý thị trường lẫn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ chưa công bố. Một câu hỏi đặt ra với cơ quan chức năng các cấp: Thủ phạm đâu?

Cũng cần làm rõ vài khía cạnh về cái gọi là “đầu cơ gạo” mà gần nửa tháng nay người dân ở đất nước suốt nhiều năm liền xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới phải vật lộn với nó. Nói đến đầu cơ là nói đến hành vi đầu cơ và chủ thể của hành vi này, hay người đầu cơ. Hàng nghìn đại lý, cửa hàng gạo đã có hành vi đầu cơ, khi họ ghim hàng, không chịu bán gạo. Nhưng liệu họ có phải là người đầu cơ? Chắc chắn, không một cửa hàng, đại lý gạo nào đủ sức đầu cơ ở mức tạo ra cơn sốt gạo.

Như vậy, thủ phạm thực sự của sốt gạo phải là một chủ thể khác lớn mạnh hơn, có khả năng “điều khiển” thị trường rộng lớn. Nếu vậy, cơ quan chức năng đã có thể khoanh vùng đối tượng một cách dễ dàng, bởi ở nước ta, những “đại gia gạo” không phải là nhiều, phần lớn lại tập trung ở phía Nam. Trong cơn sốt gạo vừa qua, ai tung ra tin đồn, ai không nhận đơn đặt hàng, ai trả tiền đặt cọc, ai không có chức năng vẫn tiến hành mua, ai ém trong kho hàng nghìn tấn gạo, ai tung ra giá sàn mới...?

Những câu hỏi này, nếu có một quá trình điều tra nghiêm túc, không hẳn là quá khó khăn để trả lời. Nhưng sao cơ quan chức năng đã vào cuộc rồi (Điện số 126/BCA của Bộ Công an ngày 28-4-2008 và kế hoạch thực hiện của Tổng cục Cảnh sát Nhân dân) mà chưa thấy hồi âm, dù cơn sốt gạo đã dịu đi và lan tỏa hệ lụy đến các hàng hóa khác.

Điều gì sẽ xảy đến nếu không tìm ra thủ phạm? Đối với nhân dân, những người có trách nhiệm thêm một lần nợ. Đối với những kẻ đầu cơ, họ sẽ cười vào năng lực quản lý của chúng ta. Còn đối với thị trường, dù bệnh đã giảm nhưng chưa chắc khỏi, có thể tái phát, thậm chí nghiêm trọng hơn, nếu “trái gió trở trời”. Hẳn các cơ quan chức năng cũng đã nhìn thấy những điều tương tự!

TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.