.

Tính cộng đồng

Cá nhân chủ nghĩa luôn đối lập với tính cộng đồng. Ở tập thể nào chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy thì sức mạnh tập thể đó (một đội bóng, một công ty, một đơn vị…) bị sa sút. Trong quản lý hiện đại, một mặt người ta khuyến khích vai trò sáng tạo của cá nhân nhưng luôn đưa ra các tiêu chí phối hợp, làm việc theo hình thức “team”.

Trong đào tạo đại học ở nhiều nước, điểm làm bài cá nhân và điểm làm bài theo nhóm là hai khía cạnh luôn bổ sung cho nhau trong đánh giá kết quả học tập. Ở Nhật Bản, các nhà quản lý luôn đưa những câu chuyện có ý nghĩa “mình vì mọi người” như những bài học thực tiễn để khơi dậy, phát huy tính cộng đồng của mỗi cá nhân làm việc trong một nhà máy, công ty…

Hai câu chuyện sau đây mô tả điều đó. Tổng giám đốc người Nhật trong liên danh thi công hầm đèo Hải Vân một hôm ra tận công trường để kiểm tra tiến độ thi công trong hầm tối. Lái xe đưa ông đến miệng hầm. Ông vào hầm làm việc suốt hai tiếng cùng các kỹ sư, công nhân trong điều kiện hết sức gian khổ, nóng bức. Tài xế vẫn ngả người trên ghế xe, bật máy lạnh và đọc báo để chờ sếp ra. Buổi chiều, anh này được trưởng phòng nhân sự gọi lên và trao quyết định cho thôi việc! Anh đồng ý nghỉ việc nhưng nêu thắc mắc vì không biết mình có lỗi gì và xin gặp Tổng giám đốc để hỏi lý do.

Vị Tổng giám đốc cho biết anh bị nghỉ việc vì không nghĩ đến sự cực nhọc của những người vất vả trong công trường mà chỉ nghĩ đến mình. Anh không xứng đáng ở trong một tập thể như vậy. Anh lái xe hoảng hốt và tất nhiên vì là người Việt, lần đầu vi phạm và hứa sẽ sửa chữa nên sau đó được nhận lại. Nhưng đối với anh đó là bài học nhớ đời!

Một chuyện khác: Một công ty trong ngành dệt-may Nhật Bản tuyển dụng một vị trí quản lý nhỏ. Hai trong hàng chục ứng viên cuối cùng đã vào đến vòng chung kết và được Tổng giám đốc đích thân phỏng vấn. Nhưng ông này không tìm ra người nào xứng đáng nhất trong hai ứng viên đó. Họ hầu như hoàn chỉnh dưới mắt ông. Ông cảm ơn và mời họ ra về để chờ ông hội ý tập thể và ra thông báo tuyển dụng sau. Trên đường hai cô gái ra khỏi công ty, vị giám đốc đã theo dõi và phát hiện một trong hai người đó đã cúi xuống đất nhặt một mẩu rác đem bỏ vào thùng.

Hôm sau chính cô này đã được tuyển dụng. Ông Tổng giám đốc bắt tay nhân viên mới và nói với mọi người: “Đây chính là thành viên mà chúng ta đang tìm kiếm. Cô ấy quan tâm đến người khác, dù chỉ qua một hành động rất nhỏ…”.

Cả hai câu chuyện tôi đều nghe bạn bè trong giới quản lý kể lại và xin được giới thiệu cùng bạn đọc nhân những ngày tháng 5 lịch sử này để cùng suy ngẫm.Một cá nhân chỉ có thể phát huy được tất cả sáng tạo và bản chất tốt đẹp của mình nếu người đó gắn bó với cộng đồng mà họ đang tồn tại từ chính những ứng xử nhỏ nhặt nhất. Những cá nhân như thế không bao giờ đặt quyền lợi riêng tư hoặc phe nhóm lên truyền quyền lợi của cộng đồng.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG                            

;
.
.
.
.
.