Nằm trong chuyến công du một loạt nước châu Âu của Tổng thống Mỹ Bush, cuộc hội ngộ giữa hai ông Bush - Sarkozy cuối tuần qua đã tạo nên một tín hiệu mới nhất về sự ấm lên trong quan hệ Mỹ-Pháp, mối quan hệ vốn bị sứt mẻ dưới thời người tiền nhiệm Jacques Chirac do cuộc chiến Iraq. Trong chuyến thăm Pháp lần này, ông Bush đã tìm được tiếng nói chung với ông Sarkozy trong việc ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Bush và Tổng thống Pháp Sarkozy trong một cuộc họp báo chung ở điện Elysee. |
Trong cuộc hội đàm ở Paris, Tổng thống Bush và Tổng thống Sarkozy cảnh báo rằng, chương trình vũ khí hạt nhân của Iran sẽ đặt mối đe dọa cho nền hòa bình và an ninh thế giới. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thúc giục Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngưng hợp tác với Iran và ngưng chứa chấp các phần tử khủng bố.
Tại Tehran, nhà ngoại giao Javier Solana của EU đã đại diện cho Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc trao cho Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki một đề xuất sửa đổi về các ưu đãi kinh tế, công nghệ và chính trị. Iran ngay lập tức đã bác bỏ đề xuất này bởi đề xuất yêu cầu Tehran ngừng làm giàu uranium - một chương trình mà phương Tây lo ngại có thể là một phần của chương trình vũ khí hạt nhân.
Ông Bush nói: “Tôi thất vọng rằng các lãnh đạo Iran đã bác bỏ đề xuất hào phóng này. Đây là một dấu hiệu để người Iran thấy rằng lãnh đạo của họ sẵn sàng làm cho họ bị cô lập hơn nữa. Quan điểm của chúng tôi là muốn người Iran thịnh vượng và được hưởng lợi”.
Tổng thống Pháp Sarkozy cũng có cùng quan điểm với ông Bush tại một cuộc họp báo chung ở Paris. Ông nói rằng người Iran “đáng được đi trên một con đường tốt đẹp hơn cái ngõ cụt mà một số lãnh đạo của họ đang dẫn họ vào”. Ông nói thêm rằng vũ khí hạt nhân trong tay của Iran sẽ là “một mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh thế giới”.
Các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nếu Iran bác bỏ đề xuất này. Các cường quốc đã nhất trí về các nhượng bộ trên trong tháng 5-2008 mà trên thực tế là phiên bản sửa đổi của đề xuất năm 2006. Đề xuất 2006 cũng đã bị Iran bác bỏ. Một phát ngôn viên của Chính phủ Iran cho biết, Iran đang nghiên cứu đề xuất trên, song cảnh báo sẽ bác bỏ mọi đề xuất mà đòi Iran ngừng chương trình làm giàu uranium. Iran quả quyết rằng nước này đang làm giàu uranium để sản xuất điện năng, chứ không phải phát triển vũ khí hạt nhân.
Tham vọng hạt nhân của Iran đã chi phối chuyến thăm tạm biệt các lãnh đạo châu Âu của ông Bush. Trong suốt chuyến thăm này, ông Bush đã tái khẳng định ông muốn giải quyết bế tắc với Iran thông qua ngoại giao. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về khả năng tấn công quân sự vào Iran.
GIA HUY