.

Chống tham nhũng ở khu vực tư

Nói đến tham nhũng, chúng ta thường nghĩ ngay đến khu vực công, nơi có những cán bộ, đảng viên tha hóa nhưng lại nắm giữ quyền lực của nhân dân giao phó để trục lợi riêng; dường như chúng ta ít để ý đến phần khác trên cơ thể của kẻ thù của chúng ta: tham nhũng ở khu vực tư.

Xét về quyền lực, người đứng đầu doanh nghiệp tư nhân, công ty, tập đoàn kinh tế không hề thua kém công chức điều hành trong bộ máy hành chính. Thậm chí, đối với các tập đoàn kinh tế, người điều hành có khi còn trở thành vua một cõi. Điều gì bảo đảm rằng tất cả những con người đầy quyền lực ấy sẽ không tham nhũng? Nhưng khác với khu vực công, hành vi tham nhũng trong khu vực tư có vẻ khó nhận diện hơn, vì sự vận động của nó hầu như không bị giám sát một cách thường xuyên.
 
Ở khu vực công, mỗi một động thái bất thường dẫn đến quyền lợi riêng đều có thể bị tổ chức phát hiện, nhưng ở khu vực tư, động thái tương tự có thể được xem là lẽ đương nhiên. Do đó, nhận diện tham nhũng ở khu vực tư là một quá trình khó khăn và dường như chúng ta còn chưa có cả phương pháp nhận diện nó. Những tình huống thường gặp như quà biếu giá trị lớn, biển thủ công quỹ, lợi dụng việcmua sắm để tư túi, chuyển vốn của cổ đông để kinh doanh, thành lập “sân sau” để cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp mình điều hành, thao túng quyền lực trong Hội đồng Quản trị (hoặc Đại hội Cổ đông)... là gì nếu không phải là tham nhũng? Chúng ta có thể dễ dàng nghe được những điều này từ các nhân viên dưới quyền của đối tượng, nhưng dường như rất ít khi chứng kiến một vụ án liên quan.

Trong khu vực công, hành vi tham nhũng dẫn đến hậu quả cuối cùng là gây hại cho dân, cho nước; còn trong khu vực tư có lẽ cụ thể hơn, là gây hại cho số đông nhân viên, người lao động. Mỗi một hành vi tham nhũng được thực hiện nghĩa là một nguồn lợi ích đã được chuyển từ số đông sang tay người điều hành. Số đông đó có thể là một nhóm người nhưng cũng có khi lên đến hàng vạn con người. Bởi vậy, dù là công hay tư thì tham nhũng cũng gây hại cho con người mà thôi, ta có thể dùng một từ khác gần sát vấn đề hơn, ấy là bất công.

Làm gì để chống lại tham nhũng ở khu vực tư? Có lẽ, việc đầu tiên cần làm ngay là xây dựng các cơ sở, phương pháp nhận diện nó; tiếp đến, Nhà nước cần ban hành những quy định cụ thể nhằm tấn công vào lĩnh vực này và sau nữa là cho ra đời các cơ quan chuyên trách. Một trong những mục tiêu lớn của chúng ta là xây dựng xã hội công bằng. Mục tiêu đó sẽ khó lòng đạt được nếu một trong hai khu vực của chúng ta (công, tư) tồn tại bất công. Chống tham nhũng ở khu vực tư có thể là một mệnh đề mới mẻ, nhưng có lẽ không thể xem nhẹ, khi mà khu vực tư nhân ngày càng chiếm ưu thế rõ ràng hơn trong sự vận động của nền kinh tế.

BẮC HÒA

;
.
.
.
.
.