Lãi suất và tỷ giá là “bộ đôi biến số kinh tế” có độ nhạy cảm bậc nhất trên thị trường tiền tệ Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh lạm phát cao, cùng một lúc phải đương đầu với nhiều thách thức vĩ mô, đặc biệt là hiện tượng nhập siêu lớn, đầu cơ tỷ giá trên thị trường phi chính thức cũng như tình trạng “đôla hóa” diễn biến rất phức tạp, vị thế đồng USD tiếp tục suy yếu trên thị trường quốc tế...
Việc xử lý bài toán tỷ giá trong mối quan hệ tương tác với lãi suất ngân hàng đòi hỏi phải đồng bộ hóa, cân nhắc đầy đủ các yếu tố tác động từ bên trong lẫn bên ngoài. Chính vì vậy, trách nhiệm nặng nề của Ngân hàng Trung ương trong việc lèo lái “cỗ xe song mã” này có ý nghĩa quyết định đến cục diện cuộc chiến chống lạm phát.
Theo quyết định mới vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất cơ bản VNĐ sẽ giữ nguyên ở mức l4%/năm. Đồng thời, biên độ tỷ giá giao dịch ngoại tệ giao ngay giữa VNĐ/USD được nâng lên +/- 2%, tăng +/- 1% so với trước đây. Các ngân hàng thương mại cũng được yêu cầu phải chấm dứt việc thu phí giao dịch đối với khách hàng dưới mọi hình thức, kể cả việc chuyển đổi USD sang ngoại tệ trung gian nhằm “lách luật”.
Tiếp theo những chủ trương về việc bình ổn lãi suất huy động và cho vay, có thể xem đây như là tín hiệu tốt đối với các đối tượng thường xuyên có quan hệ giao dịch ngoại hối chính thức với hệ thống ngân hàng, củng cố lòng tin của thị trường vào sự minh bạch hơn của chính sách tỷ giá, nhất là trong thời gian vừa qua tình trạng khan hiếm nguồn cung, mua bán ngoài giá niêm yết, thu lệ phí... trở nên khá phổ biến khiến không ít khách hàng bất bình, đau đầu để đối phó. Ngay bản thân hệ thống ngân hàng trong nhiều trường hợp cũng không thể thuyết phục khách hàng bán USD cho mình do sự chênh lệch bất lợi giữa tỷ giá niêm yết so với giá thị trường tự do thường vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Giải pháp nới rộng biên độ giao dịch lên gấp đôi được xem như là nỗ lực mới nhất của Ngân hàng Trung ương nhằm điều hành tỷ giá tiệm cận gần hơn với cơ chế thị trường, tất nhiên hiệu quả của chủ trương này phải gắn việc triển khai đến mức độ nào các giải pháp nhằm lập lại trật tự trong quản lý hoạt động trao đổi mua bán ngoại tệ trong thời gian đến.
Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tính khả thi và tính bền vững của chiến lược ổn định tỷ giá trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới? Rõ ràng không thể có một nền tảng tỷ giá bền vững nếu cơ chế quản lý sử dụng ngoại tệ vẫn vận hành theo tư duy “Mạnh ai nấy giữ, ai cần nấy dùng”. Ngoại hối cần phải được đối xử như là nguồn tài nguyên chiến lược của quốc gia, là một phần tất yếu để tăng cường nội lực của đất nước, từ đó củng cố sức mạnh đồng nội tệ thông qua làm chủ giá cả lãi suất.
Nhận thức này cần được thông suốt trên bình diện toàn xã hội, từ cấp quản lý cao nhất cho đến từng người dân, kể cả việc cần thiết phải đưa nội dung này vào giáo dục trong nhà trường phổ thông. Trong cuộc trao đổi mới đây giữa cựu Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ông đã nhắn gửi một thông điệp rất quan trọng đó là không thể và cũng không nên đặt nặng việc can thiệp tỷ giá bằng phương pháp truyền thống như lâu nay vẫn làm, bởi số lượng các giao dịch ngày càng lớn, sự đan xen giữa các thị trường tiền tệ ngày càng tinh vi, phức tạp, ngay như Nhật Bản là nước có dự trữ ngoại hối khổng lồ vừa qua đã tung tiền ra để can thiệp thị trường cũng chưa có hiệu quả.
Thiết nghĩ, đây là cảnh báo có ích và có lẽ không còn quá sớm để “tư duy lại” những nguyên tắc quản lý và điều hành chính sách, sao cho “Cỗ xe song mã” tỷ giá và lãi suất được vận hành ngày càng khớp đúng, hiệu quả hơn.
TÂM DÂN
.
.
Cỗ xe song mã
Thứ Hai, 30/06/2008, 11:18 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.