Sản xuất là quá trình làm ra của cải vật chất bảo đảm đời sống con người và thúc đẩy xã hội phát triển. Từ cổ chí kim, bất cứ lĩnh vực nào, thành tựu nào cũng xuất phát từ sản xuất. Chính vì vậy mà con người luôn ưu tiên đầu tư và không ngừng nâng cao kỹ năng sản xuất, tạo ra của cải vừa dồi dào vừa giá trị, đáp ứng nhu cầu đời sống ngày càng cao.
Xét trong phạm vi nhỏ ở mỗi gia đình, ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế là đầu tư cho sản xuất. Có sản xuất mới có tích lũy để xây dựng nhà cửa, mua sắm thiết bị đồ dùng, học hành, khám chữa bệnh, hưởng thụ giá trị văn hóa… Là nhà nông, bên cạnh việc tậu đất đai, ruộng vườn, ai cũng lo chuyện mua trâu, sắm cày, cây con giống, vật tư, phân bón…
Là hộ ngư dân, muốn ra biển lo sắm tàu, mua ngư lưới cụ. Những người hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN, việc không thể thiếu đó là đầu tư cho nhà xưởng, trang thiết bị máy móc, nguyên vật liệu… Mở rộng ra phạm vi một địa phương hay quốc gia, yếu tố có tính quyết định đến sự tăng trưởng chính từ đầu tư sản xuất.
Những năm qua, Đà Nẵng là địa phương đầu tư rất lớn để chỉnh trang mở rộng đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng chưa thật chú trọng đến đầu tư cho sản xuất. Các khu công nghiệp ra đời với hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, nhưng số nhà máy do người Đà Nẵng làm chủ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, quy mô nhỏ, sản phẩm chưa chiếm lĩnh được thị trường. Hay nói đúng hơn, công nghiệp Đà Nẵng chỉ phát huy thế mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và các địa phương khác, còn tại địa phương đầu tư chưa thật hợp lý. Tất nhiên, đầu tư ở đây phải được hiểu từ nhiều phía, đó là Nhà nước, địa phương và chính từng cơ sở, hộ gia đình...
Một số sản phẩm vốn là thế mạnh của công nghiệp Đà Nẵng như nhựa, tái chế sắt thép, chế biến thủy sản đang dần bị các doanh nghiệp từ nước ngoài và địa phương khác đến đầu tư lấn át. Đối với lĩnh vực nông-ngư nghiệp càng ngày càng nhận ít sự đầu tư, dẫn đến sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng lương thực, thực phẩm đang trên đà giảm trông thấy.
Thời gian gần đây, chứng kiến hoạt động của nông dân càng thấy đầu tư cho sản xuất nông-ngư nghiệp quá ít. Hệ thống thủy lợi mới chỉ đáp ứng tưới cho trên 80% diện tích canh tác. Cơ giới hóa mới giải phóng trên 30% sức lao động. Tình trạng lao động thủ công khá phổ biến. Cũng từ đó mà năng suất lao động thấp. Vào mùa gặt, rất ít khi bắt gặp máy gặt đập liên hợp trên đồng ruộng, thu hoạch chủ yếu do sức người đảm nhiệm.
Trong khi một chiếc máy có thể thay thế cho 40-50 lao động. Lên các xã miền núi như thôn Lộc Mỹ, Nam Yên, xã Hòa Bắc; Sơn Phước, Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh (Hòa Vang)…, đất canh tác không thiếu nhưng lại thiếu nước. Đã từ lâu, bà con thôn Lộc Mỹ ao ước có hệ thống thủy lợi lấy nước tự chảy từ trên núi xuống, khai thác hơn chục ha đất màu để trồng cấy nhưng vẫn chưa được đầu tư.
Nói tóm lại, đầu tư cho sản xuất ở Đà Nẵng những năm gần đây chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của một thành phố lớn. Đà Nẵng đang là trung tâm tiêu thụ lớn của khu vực nhưng sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng. Từ đó thấy rằng, đầu tư cho sản xuất là vấn đề vô cùng cần thiết. Đây chính là yếu tố có tính quyết định đến sự tăng trưởng và tiến độ cải thiện đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cho khu vực nông thôn miền núi cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Hiện tại, thu nhập, mức sống ở nông thôn miền núi quá thấp so khu vực đô thị. Hy vọng chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có chiến lược đúng đắn, hợp lý về đầu tư, để sản phẩm của chính người Đà Nẵng làm ra không chỉ dồi dào mà còn chiếm lĩnh thị trường cả nước và xuất khẩu.
HOÀI NAM
.
.
Đầu tư cho sản xuất
Thứ Ba, 17/06/2008, 08:25 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.