.

Giữ chân người giỏi

Đà Nẵng là một trong những địa phương có chính sách thu hút người giỏi tương đối sớm và khá hấp dẫn. Nhờ vậy mà thời gian qua có nhiều chuyên gia giỏi có học vị cao như thạc sĩ, tiến sĩ và nhất là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đã tìm đến, trở về Đà Nẵng làm việc, hiện tượng người giỏi có sẵn tại chỗ từ giã Đà Nẵng đi tìm chỗ làm việc mới cũng giảm dần.

Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra vấn đề làm sao có những biện pháp hữu hiệu hơn để giữ chân người giỏi – mới thu hút được hay có sẵn tại chỗ - ở lại phục vụ lâu dài? Tôi xin góp thêm hai giải pháp sau đây:

Một là, nên cẩn trọng hơn trong việc áp dụng những chế tài về tài chính. Trên thế giới, một số nước chẳng hạn như Ấn Độ cũng rất coi trọng giải pháp bồi thường tài chính (được dùng để thu hút chất xám) nhằm giữ chân người giỏi. Chuyện sòng phẳng này cũng hợp lý và hợp đạo lý thôi, nhưng bình tĩnh suy xét có thể thấy đây là giải pháp chưa thật cao tay, xuất phát từ quan niệm cho rằng như vậy là mình đã vĩnh viễn mất, đã hoàn toàn tổn thất, rằng trong trường hợp này xem như người giỏi sẽ một đi không trở lại. Tôi nghĩ rằng ngay cả trường hợp buộc phải áp dụng những chế tài về tài chính, chúng ta vẫn phải tiếp tục làm nhiệm vụ thu hút, vẫn phải tiếp tục chiêu hiền đãi sĩ với người giỏi vừa quyết định dứt áo ra đi. Chẳng hạn làm sao cho người ra đi cảm nhận được chính quyền

thành phố không quá sòng phẳng chi li từng đồng từng hào trong chế tài tài chính, cảm nhận được chính quyền thành phố rất day dứt về việc chưa đủ sức thuyết phục để giữ chân mình và rất sẵn lòng mở rộng cửa đón mình quay trở lại. Đây là bản lĩnh và là cái tâm của người lãnh đạo, vì muốn người ta trở lại với chúng ta thì chúng ta không nên vội trở mặt - mặc dù ở đây trở mặt thay đổi thái độ cũng không có gì sai, cũng là chuyện thường tình.

Hai là, lâu nay những người giỏi được thu hút về thành phố thường được sử dụng một cách riêng lẻ, người ở ngành này người ở ngành khác. Riêng lẻ như vậy cũng là bình thường, nếu được bố trí đúng sở trường và phù hợp với lĩnh vực chuyên môn sâu, đồng thời được trọng dụng ngay tại nơi làm việc hằng ngày thì từng người giỏi cũng có thể phát huy được năng lực của mình, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển chung của thành phố. Nhưng muốn phát huy cao độ chất xám của những người giỏi, cần phải tạo điều kiện cho họ làm việc theo nhóm, cụ thể là hợp tác trong nghiên cứu khoa học nhằm tham mưu hoạch định chủ trương chính sách thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố phát triển đúng hướng hơn, rõ nét hơn.
 
Nên chăng thành phố cần tập hợp đội ngũ này - cùng với những người giỏi sẵn có tại chỗ - thành các nhóm chuyên gia chuyên ngành hoặc liên ngành và giao cho từng nhóm nghiên cứu đề xuất những giải pháp tối ưu để xử lý một số bài toán khó chẳng hạn của quá trình đô thị hóa. Làm tốt việc này còn góp phần làm tăng thêm thu nhập chính đáng của những người giỏi và quan trọng hơn là tạo cơ hội để người giỏi khẳng định năng lực vượt trội cũng như phẩm chất trí thức của mình.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.