.

Hành xử kiểu “bề trên”

Tôi đoán ý tưởng của nhà văn Lê Lựu đang gặp khá nhiều trắc trở! Cách đây khoảng 4-5 năm, ông Lựu thành lập một tổ chức gọi là “Trung tâm Văn hóa Doanh nhân”, nhằm xây dựng những chuẩn mực văn hóa của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tiếc thay, khi những chuẩn mực còn mịt mùng giữa thị trường đầy biến động thì người ta lại ngày càng chứng kiến lối hành xử không thể nào chấp nhận của những người từng được gọi là “tiên phong trong hội nhập và phát triển”. Xin dẫn chứng 2 câu chuyện sau đây để chúng ta cùng suy ngẫm. 

Cách đây không lâu, ngành ngân hàng có một quyết định, từ ngày 1-7-2008 trở đi, khoảng 9 triệu người sử dụng thẻ ATM trên toàn quốc sẽ phải trả phí giao dịch. Thông tin trên vừa phát đi đã đón nhận ngay sự phản ứng gay gắt của dư luận. Ngân hàng (NH) đưa ra nhiều lý lẽ khác nhau, sau đó an ủi người dân theo kiểu: Mỗi lần giao dịch tốn 1.000 - 3.000 đồng chứ bao nhiêu mà làm dữ vậy!

Đúng là số tiền trên trong thời điểm này chỉ cùng lắm mua được một nắm rau muống, một gói tăm tre, nhưng vấn đề đâu chỉ là tiền. Khi xưa (thực ra chỉ mới vài năm trở lại đây thôi), các NH ra sức khuyến khích người dân mở thẻ. Ban đầu một số NH còn thu phí mở thẻ, sau đó khuyến mại luôn. Chưa hết, nhan nhản các quảng cáo về ích lợi của ATM được đăng, phát, giăng khắp nơi. Thậm chí, một NH có Hội sở tại TP. Hồ Chí Minh còn mời cả ông Đỗ Đức Cường (quê gốc ở Đức Phổ - Quảng Ngãi, là cha đẻ của máy ATM) từ Mỹ về làm cố vấn.
 
Cùng thời điểm đó, NH Nhà nước cũng đang thực hiện đề án giảm sử dụng tiền mặt... Tất cả những động thái đó đã làm tăng vọt số người sử dụng và số máy ATM. Việc trả lương cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức... các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đều thực hiện qua thẻ ATM. Máy ATM còn sử dụng để trả lương hưu, trợ cấp xã hội và thanh toán tiền điện, nước...
 
Người sử dụng thẻ ATM tuy thỉnh thoảng cũng lầm bầm bởi gặp phải những rắc rối, khó chịu sau khi giao dịch nhưng dẫu sao vẫn trung thành với chủ máy. Đùng một cái, NH thông báo: Sẽ thu phí! Người dùng thẻ giật mình: “Ủa, sao không nói lúc tui bắt đầu mở thẻ ấy”. Hành động đơn phương này của NH chẳng khác nào “bề trên”, ví như sau khi đưa người ta vào rọ rồi thì phán vậy.

Câu chuyện tiếp theo mới xảy ra ở TP. Đà Nẵng, ấy là kiểu hành xử của Công ty Truyền hình cáp Sông Thu. Hồi mới mở, Sông Thu vận động bà con lắp truyền hình cáp với nhiều chính sách có thể coi là chấp nhận được. Đùng một cái, công ty phát thêm kênh và... đòi thêm tiền cước, dù cho hợp đồng ký kết trước đó chưa thay đổi gì. Kiểu này cũng giống hai bên thỏa thuận mua - bán 1 bó rau, sau đó, người bán hàng tự ý bỏ thêm hành, ngò vào giỏ hàng của khách rồi đòi thêm tiền vậy! Không biết ngoài Việt Nam ra, Đông - Tây kim cổ có nơi nào xuất hiện lối kinh doanh này không?

Một câu hỏi đặt ra, tại sao các hành động đơn phương theo kiểu “bề trên” cứ liên tiếp diễn ra trong thị trường tự do của chúng ta? Tôi xin dành câu trả lời cho cơ quan chức năng, trước hết là cơ quan quản lý thị trường, vốn sinh ra để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tôi tin cơ quan này đủ các công cụ cần thiết để bảo vệ dân mình. Câu hỏi tiếp theo đặt ra với chính các nhà kinh doanh, phải chăng lối hành xử đơn phương, áp đặt đó cũng là một phần của cái gọi là văn hóa doanh nghiệp mà quý vị đã không dưới một lần đề cập đến?

CỬ NHÂN

 

;
.
.
.
.
.