Kể từ ngày 11-6-2008, lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tăng từ 12% lên 14%. Đồng thời tỷ giá liên ngân hàng bình quân giữa VNĐ và USD cũng điều chỉnh tăng với biên độ khá lớn, gần 2% so với tỷ giá công bố của ngày 10-6-2008.
Cũng cần lưu ý rằng, đây là quyết định điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ ngày cơ chế điều hành này chính thức được áp dụng sau khi trần lãi suất được dỡ bỏ.
Động thái nói trên của Ngân hàng Trung ương được đánh giá như là cách tiếp cận khá nhạy bén trước biến động của thị trường, phản ánh rõ tư duy ban hành chính sách một mặt phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhưng mặt khác không làm suy giảm vai trò định hướng chủ đạo của chính sách tiền tệ trong mục tiêu kiềm chế lạm phát cao.
Có thể cho rằng, ảnh hưởng quan trọng nhất của quyết định điều chỉnh lần này chính là đã góp phần hóa giải được phần lớn những bất ổn về tâm lý diễn ra trên thị trường tiền tệ trong thời gian gần đây. Trước hết là việc tỷ giá ngoại hối từ thị trường tự do tăng cao một cách bất thường, xuất hiện dấu hiệu đầu cơ ngoại tệ một cách phi pháp nhằm đục nước béo cò, tạo thêm bất ổn cho xã hội.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực đầu tư tín dụng, khách hàng đi vay vừa khó tiếp cận vốn, vừa bị một số ngân hàng áp đặt nhiều loại phí mà trong đó chưa thể hiện rõ tính minh bạch của các khoản thu này, đã tạo ra tâm lý thất vọng lớn cho người vay nếu họ thực sự có ý định trông chờ vào nguồn vốn từ ngân hàng. Sau khi áp dụng lãi suất cơ bản đã điều chỉnh, hệ thống ngân hàng sẽ có cơ hội để nới rộng biên độ lãi suất huy động và cho vay phù hợp với diễn biến thị trường, giảm nguy cơ gây lỗ, tuy nhiên mọi khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay cần phải chấm dứt, chính thức trả lại hành lang pháp lý thông thoáng hơn trong hoạt động tín dụng.
Tuy nhiên, để xác lập được một trạng thái cân bằng tâm lý trên thị trường tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay quả thực là một công việc hết sức khó khăn. Muốn làm tốt việc này, thiết nghĩ cần phải bắt đầu từ thiện chí của cả hai phía: Nhà nước và công dân. Hay nói khác đi, một bên là Nhà nước và bên kia là các lực lượng thị trường chính thức, cùng nỗ lực vì một mục tiêu chung là kiềm chế lạm phát.
Cần nhìn nhận lại một thực tế, có lẽ không ở đâu việc sử dụng ngoại tệ lại quá dễ dãi đến mức gây nhiều tác hại như ở Việt Nam, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều quy chế quy định quản lý ngoại hối khá chặt chẽ nhưng thực sự chưa đi vào cuộc sống. Cộng hưởng vào đó là tình trạng sử dụng tiền mặt tràn lan trong nền kinh tế, sự quản lý thiếu chặt chẽ các nguồn vốn từ bên ngoài, đã góp phần tạo ra những nhân tố bất ổn, đi kèm với những nguồn lực tiền tệ ngoài vòng kiểm soát, hình thành nên những “lực lượng ngầm, vô thừa nhận” nhưng thực sự có tác động chi phối lớn đến tâm lý thị trường chính thức, khiến cho công tác điều hành quản lý lại càng thêm khó khăn.
Trong giai đoạn hiện nay và sắp đến, để góp phần bình ổn kinh tế xã hội, thì việc bình ổn tâm lý thị trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bên cạnh việc tăng cường hiệu năng quản lý và tính công khai của các cơ quan hữu quan trong việc cung cấp và định hướng thông tin dư luận xã hội, chủ động can thiệp bằng biện pháp hành chính và kinh tế để bình ổn thị trường khi cần thiết, cần thiết phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm khôi phục trật tự thị trường nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng, từng bước khôi phục giá trị và uy tín của đồng Việt Nam trên thương trường. Có thể khẳng định, chỉ khi nào mỗi người trong chúng ta thực sự có lòng tin và yêu đồng tiền của chính đất nước mình thì lúc đó công cuộc chống lạm phát và kiến thiết kinh tế mới đi vào hiệu quả lâu dài.
TÂM DÂN
.
.
Hóa giải tâm lý thị trường tiền tệ
Thứ Sáu, 13/06/2008, 10:35 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.