.

Khuyến học phải đi đôi với hướng nghiệp

Khuyến học lâu nay thường được hiểu là vận động và hỗ trợ cho những người chưa ham học hoặc ham học mà thiếu điều kiện học có thể vượt qua khó khăn của bản thân để trở nên hiếu học và có được điều kiện tối thiểu để học tập, thậm chí để học giỏi.

Tuy nhiên trong thực tế, việc vận động và hỗ trợ cho những người chưa ham học trở nên hiếu học ít được quan tâm, chú ý bằng việc vận động và hỗ trợ cho những người thiếu điều kiện học có được điều kiện tối thiểu để vượt khó. Có điều, nếu chỉ khắc phục được nhược điểm vừa nêu vẫn chưa đủ để phát triển thành một xã hội học tập. Muốn đóng góp tích cực hơn nữa vào việc xây dựng xã hội học tập, hoạt động khuyến học cần phải đi đôi với việc định hướng nghề nghiệp.
 
Chẳng hạn, lâu nay mọi người đều thấy việc đào tạo nghề là bất cập, nhiều người học nghề ra trường không tìm được việc làm đúng với nghề đã học, nói khác đi, họ chỉ được học cái-nhà-trường-có chứ không được học cái-xã-hội-cần. Như vậy có nghĩa là nguyên nhân chủ yếu thuộc về phía đào tạo, đòi hỏi phải có sự thay đổi: nhà trường phải đào tạo những gì xã hội cần và với một chất lượng đào tạo đủ để được xã hội chấp nhận.
 
Nhưng nếu nhìn từ góc độ khác, có thể thấy tâm lý coi thường đào tạo nghề nghiệp một cách bài bản của bản thân người lao động cũng như của người sử dụng lao động cũng khiến cho việc đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Tất nhiên, người ta vẫn có thể được đào tạo nghề thông qua hình thức học việc trực tiếp, như người phụ xe có thể học nghề tài xế trực tiếp từ người lái xe, có điều muốn hành nghề tài xế thực thụ, người phụ xe bắt buộc phải qua trường dạy lái xe hẳn hoi để được cấp bằng lái trước khi chính thức hành nghề. Tiếc rằng, nhiều người sử dụng lao động không đòi hỏi “bằng lái” một cách nghiêm ngặt như thế đối với người lao động chưa qua trường lớp đào tạo khi nhận vào làm việc cho mình.

Tóm lại, rất cần giải pháp mang tính ràng buộc pháp lý nhằm hạn chế một số tâm lý không phù hợp với điều kiện giải quyết việc làm, phát triển nghề nghiệp và định hướng sinh kế của người dân hiện nay. Đấy là chỉ nói về mặt qua đào tạo/chưa qua đào tạo, chứ một giải pháp mang tính ràng buộc pháp lý còn có thể hạn chế phần nào tâm lý trọng thầy khinh thợ, như là quy định chỉ tuyển dụng công nhân kỹ thuật lành nghề hoặc trung cấp nghề ở những vị trí làm việc không cần/không nên bố trí nhân lực có trình độ đào tạo cao hơn, cụ thể như không cần, không nên bố trí y sĩ, bác sĩ vào vị trí làm việc của một y tá lành nghề.
 
Nhưng chỉ có mỗi giải pháp mang tính ràng buộc pháp lý thôi thì cũng chưa đủ để thay đổi tâm lý mang tính xã hội của một cộng đồng, vì thế hoạt động khuyến học hoàn toàn có khả năng góp phần giải quyết vấn đề hiệu quả đào tạo nghề nếu biết gắn liền với việc định hướng nghề nghiệp. Hiện nay, nhiều người, từ lớp trẻ cho tới các bậc phụ huynh, đều hướng về nghề nghiệp nào mà mình nghĩ là xã hội đang có nhu cầu, trong khi đó định hướng giá trị nghề nghiệp đúng đắn đòi hỏi tính hài hòa giữa ba yếu tố như là ba cạnh của cùng một tam giác đều: năng lực – hứng thú – nhu cầu của xã hội. Nếu chỉ quan tâm yếu tố nhu cầu của xã hội đối với một nghề nào đó mà không coi trọng đúng mức hai yếu tố năng lực và hứng thú thì sự định hướng giá trị nghề nghiệp ấy khó có thể được xem là đúng đắn.
 
Vả lại, trong thực tế không ít trường hợp cái nghề mà mình nghĩ là xã hội đang có nhu cầu là nhu cầu ảo, bởi ở đây có khả năng nhu cầu thật đã bị bão hòa trở thành nhu cầu ảo, thậm chí do đơn thuần chạy theo thời thượng mà mình tưởng nhầm nhu cầu ảo là nhu cầu thật.
 
Như vậy, khuyến học không chỉ nhắm đến mục tiêu vận động tinh thần hiếu học, ý chí phấn đấu vượt qua khó khăn về điều kiện học tập, thậm chí ý thức vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao và khẳng định tài năng trong học tập; không chỉ làm cho mọi người có nhu cầu học tập thường xuyên, không tự bằng lòng, thỏa mãn với sở học vốn có của mình, thấy rõ thời đại đã chuyển động đến mức dẫu giỏi giang đến mấy cũng không ai có thể học một lần để làm một đời…, mà còn phải nhắm đến mục tiêu định hướng nghề nghiệp, định hướng giá trị thực sự của bằng cấp.
   
BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.