.

Kinh doanh thời lãi suất cao

Trên lĩnh vực lãi suất đang diễn ra nghịch cảnh: Hầu hết các doanh nghiệp đang ở tâm trạng lo lắng do lãi suất tín dụng ngày càng leo thang theo đà tăng của lạm phát. Sau khi lãi suất cơ bản được điểu chỉnh lên 14%, ngay lập tức lãi suất cho vay tăng “kịch trần” 21%/năm, và dự báo thời gian đến sẽ không dừng ở mốc này.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng lại tiếp tục cuộc đua chưa dứt về lãi suất để thu hút người gửi tiền. Thông tin mới nhất cho thấy đỉnh điểm mới của lãi suất tiền gửi đã là 18,70%/năm, chưa kể kèm theo một loạt các chiêu thức khuyến mãi có thưởng. Theo nhận xét của một số lãnh đạo ngân hàng, lãi suất cho vay cao cộng với tình hình biến động tỷ giá ngoại hối như hiện nay buộc doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán quản trị thực sự hóc búa, nếu không kham nổi sẽ phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh. Với tư cách là định chế tài chính trung gian, ngân hàng cũng đang phải gánh chịu áp lực lớn khi mà lãi suất đầu vào tăng rất nhanh, trong khi lãi suất đầu ra không thể điều chỉnh kịp thời, rủi ro tài chính là tất yếu.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, lãi suất cao chưa hẳn là vấn đề quá khó đến mức không thể vượt qua, mà trở ngại chính là tình trạng khan hiếm nguồn cung ứng vốn ổn định với kỳ hạn hợp lý. Bởi hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều rất dè dặt trong việc mở rộng tín dụng, tiêu chí lựa chọn khách hàng hết sức chặt chẽ, riêng đầu tư trung dài hạn thì lại càng có tâm lý co cụm nhiều hơn.
 
Cũng cần lưu ý thêm một tình huống, nếu thắt chặt tín dụng kéo dài quá mức, luân chuyển vốn của doanh nghiệp bị ách tắc, sẽ dẫn đến trì hoãn trả nợ, kéo theo tình trạng vỡ nợ cục bộ hoặc dây chuyền, gây hiệu ứng tâm lý rất xấu đến môi trường kinh doanh. Những diễn biến này một lần nữa cho thấy hệ quả của chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm chống lạm phát bắt đầu phát huy tác dụng, dù muốn hay không thì một cuộc “thanh lọc nghiệt ngã” trên quy mô lớn đã và đang diễn ra, điều này đã được dự báo từ trước và là xu thế khó cưỡng lại được.

Phương châm thực tế nhất lúc này không phải là trốn chạy tình hình, mà cần biết tự điều chỉnh để thích nghi trước khi mọi việc trở nên quá muộn. Kể cả việc đòi hỏi phải đưa ra những quyết sách thiên về chiều hướng cầm cự để tồn tại, chấp nhận tổn thất trước mắt nhằm hướng đến kế sách phát triển lâu dài, hơn là kiên trì bảo vệ những mục tiêu ban đầu mặc dù không còn tính khả thi nữa.
 
Bên cạnh việc cân nhắc quyết định giữa cắt giảm quy mô và nâng cao hiệu quả kinh doanh, lựa chọn giữa việc duy trì thị trường thị phần với bảo vệ lợi nhuận – thu nhập, các doanh nghiệp cần nhanh chóng triển khai các phương án cụ thể về phòng chống rủi ro chủ yếu do biến động lãi suất và tỷ giá gây ra. Đây là một trong những điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh phải thường xuyên đối phó với những biến động khó lường mang tính toàn cầu, cần thiết phải sớm nắm bắt và vận dụng có hiệu quả các công cụ hiện đại để hỗ trợ kinh doanh thời hội nhập.

Một cuộc khảo sát gần đây tiến hành đối với 250 doanh nghiệp trong nước cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức chưa đầy đủ về bản chất rủi ro trong kinh doanh và chưa có điều kiện để tiếp cận đầy đủ với các kỹ năng quản trị rủi ro thời hiện đại. Đề nghị các cơ quan hữu quan của thành phố sớm triển khai chương trình hỗ trợ cả về cơ chế và kinh phí để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo trang bị kiến thức phòng chống rủi ro, thông qua các Hiệp hội ngành nghề và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam tiến hành thường xuyên các lớp tập huấn để cập nhật các bí quyết và kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Quan hệ hợp tác giữa hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp cũng cần được cải thiện theo hướng chiều sâu, tập trung vào việc nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn lựa chọn phương án kinh doanh và áp dụng rộng rãi các kỹ thuật phòng tránh rủi ro, nhất là những rủi ro mang tính chất hệ thống. Tình thế hiện nay đòi hỏi hai bên phải có sự đồng thuận cao trong việc mạnh dạn và kiên quyết đình hoãn những phương án kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao, kém hiệu quả, hoặc chưa cần thiết.
 
Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nắm chắc tình hình thực tiễn để kịp thời kiến nghị với các cơ quan hữu trách những giải pháp nhằm tháo gỡ ách tắc về vốn, điều chỉnh cơ chế gia giãn nợ phù hợp đối với một số ngành và lĩnh vực sản xuất kinh doanh đặc thù, có hiệu quả, tiến đến góp phần bình thường hóa hoạt động chu chuyển vốn của doanh nghiệp, tạo ra tâm lý thuận lợi và động viên cộng đồng các doanh nghiệp yên tâm cố gắng trụ vững trong thời buổi kinh doanh thực sự khó khăn như hiện nay.

VĨNH PHƯỚC

;
.
.
.
.
.