.

Lại nói về chuyện “chảy máu chất xám”

UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ tháng 7-2003 đến cuối năm 2007, tại thành phố này đã có tới 6.422 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc. Trong đó, đông nhất là khối sự nghiệp giáo dục 3.034 người, khối sự nghiệp y tế 849 người, khối quản lý Nhà nước (kể cả cán bộ, công chức xã, phường) có 698 người và khối sự nghiệp khác là 1.841 người. Ở thành phố Hồ Chí Minh là vậy, còn tại thành phố Đà Nẵng, số cán bộ, công chức, viên chức tự ý bỏ việc, thôi việc là bao nhiêu?

Theo báo cáo của Sở Nội vụ thành phố, cán bộ, công chức, viên chức ở Đà Nẵng tự ý thôi việc, bỏ việc không nhiều nhưng hiện tượng này trong thời gian qua bắt đầu tăng lên. Chỉ tính riêng trong ngành Y tế, từ đầu năm 2006 đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng đã có 21 bác sĩ xin nghỉ, tự ý thôi việc hoặc xin chuyển công tác. Việc “chảy máu chất xám” không chỉ đối với những người đã có tay nghề lâu năm, lão luyện, mà còn kéo theo những công nhân, viên chức trẻ mới vào nghề. Đã có 25 sinh viên khá, giỏi xin nghỉ việc sau một thời gian ngắn vào làm việc tại các đơn vị theo diện thu hút nhân tài.

Tại sao cán bộ, công chức, viên chức thôi việc ngày càng tăng lên? Đó là câu hỏi ai cũng có thể trả lời được nhưng tìm ra lời giải thật vô cùng khó. Trước nhất, họ nghỉ việc để tìm một nơi công tác thích hợp hơn với chuyên môn, với mức thu nhập, với sự đãi ngộ tốt hơn như đã đề cập. Đó là yếu tố khách quan và cũng là xu thế phát triển của xã hội, nhất là trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Thế nhưng, về cơ chế, chính sách, đã đến lúc chúng ta cần bàn thật kỹ về vấn đề này. Người làm việc trong các cơ quan Nhà nước chưa thật sự được đãi ngộ công bằng và hợp lý.
 
Người làm việc giỏi cũng như người làm việc chưa tích cực. Người có tài cũng như người bất tài, chế độ thưởng, phạt đều cào bằng, bình quân chủ nghĩa. Đôi khi, người bất tài lại lên lương, tiến chức hơn người có tài thực sự. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho những đơn vị, cơ quan Nhà nước không giữ được người tài. Thứ hai là mức thu nhập quá thấp. Một sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy ra trường, cho dù là loại khá, giỏi, nếu được tuyển dụng vào làm việc ở một cơ quan, công sở Nhà nước, mức lương chưa vượt quá 1,5 triệu đồng/tháng, trong khi đó họ phải đóng tiền BHYT, BHXH, phải lo trang trải với đủ mọi thứ trong cuộc sống hằng ngày như sinh hoạt, đi lại…

Đó là nguyên nhân giải thích vì sao, mặc dù chính sách thu hút sinh viên khá, giỏi của thành phố đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn bất cập nên khó giữ chân được người tài. Cho nên, dù họ rất yêu ngành, yêu nghề, nhưng với đồng lương như vậy, chắc chắn họ sẽ “đứng núi này, trông núi nọ”. Đặc biệt là trong thời buổi giá cả hiện nay, với mức thu nhập như vậy chắc chắn họ càng không thể nào yên tâm công tác. Đó cũng là nguyên nhân chính giải thích vì sao, trong thời gian gần đây, cán bộ, công chức bỏ việc nhiều hơn so với trước.

Thứ ba, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nhiều cơ sở dịch vụ tư ra đời (như bệnh viện tư, trường học tư) rất cần những người có tay nghề, có chuyên môn, có kinh nghiệm công tác và nhất là có chính sách đãi ngộ thông thoáng hơn nên đã làm cho không ít cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc vào làm tại các cơ sở này. Thứ tư, còn phải kể đến nguyên nhân là công tác tuyển dụng còn nhiều bất cập, người học ngành này lại được bố trí vào ngành khác, chuyên môn nghiệp vụ này, bố trí vào công việc khác, không phù hợp với môi trường làm việc, chưa tạo được cơ hội tốt cho người có năng lực thăng tiến nên cũng tìm cách ra đi…

Vậy bằng cách nào để khắc phục việc “chảy máu chất xám” này. Thế mạnh của Nhà nước là có cả hệ thống chính trị, có cơ sở vật chất và có một tiềm năng rất lớn về phát triển nguồn nhân lực. Chất xám không chỉ là tài sản quý báu của mỗi cá nhân, mỗi con người mà còn là của cơ quan, đơn vị và của cả xã hội. Cho nên, ngoài việc bảo vệ, nuôi dưỡng chất xám, cần phải tạo điều kiện cho chất xám phát triển. Để nuôi dưỡng và phát triển chất xám, phải tin tưởng vào lực lượng cán bộ trẻ, mạnh dạn bố trí họ vào những công việc phù hợp, những chức danh chủ chốt để họ có hướng phấn đấu và nếu cần mở các cuộc thi tuyển chức danh lãnh đạo để họ tham gia thi tuyển, tránh hiện tượng xếp hàng như hiện nay. Về vấn đề khen thưởng cũng cần đổi mới.

Từng đơn vị, từng cơ quan cần có chính sách khen thưởng hợp lý, người làm việc nhiều, làm việc hiệu quả phải được thưởng cao hơn người làm việc không hiệu quả, tránh hiện tượng cào bằng, bình quân chủ nghĩa. Từng ban, ngành, quận, huyện, tỉnh, thành phố cần có nguồn ngân sách khen thưởng, khen thưởng kịp thời và hợp lý,  tránh việc cuối năm mới bình bầu thi đua, phát cho một cái bằng khen với tiền thưởng kèm theo vài trăm nghìn đồng mà có thể động viên, kích thích họ được…

 Trở lại vấn đề, trong thời gian gần đây, số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc nhiều hơn, ngoài những giải pháp khắc phục nêu trên, cái gốc cơ bản của giải pháp trong các giải pháp là đề nghị Chính phủ nhanh chóng đẩy mạnh tiến độ thực hiện đề án cải cách tiền lương, đổi mới phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và có một cơ chế đãi ngộ người tài một cách công bằng và hợp lý…

LÊ VĂN HOA 

;
.
.
.
.
.