.

Lối thoát:Tiết kiệm!

Giá xăng dầu tuần qua đã tăng tới mức kỷ lục, 140 USD/thùng và chưa có dấu hiệu sẽ ngừng lại. Theo các nhà bình luận kinh tế thế giới, giá dầu sẽ nhanh chóng đạt mức 150 USD/thùng và một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô thế giới sẽ xảy ra khi giá dầu tới 200 USD/thùng.

Trước tình hình nghiêm trọng này, một hội nghị quốc tế đã nhóm họp tại Nhật Bản gồm các nước G.8 và Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, những quốc gia sử dụng xăng dầu nhiều nhất và cũng là những quốc gia thải ra một lượng khí thải lớn nhất thế giới để bàn về vấn đề năng lượng. Hội nghị này đã cảnh cáo nếu giá xăng dầu tiếp tục lên, sẽ xuất hiện một cuộc khủng hoảng, đặt nhiều quốc gia trước thảm họa.

Sức ép giá xăng dầu tăng không ngừng cũng đang đặt nhiều quốc gia trong khu vực trước bài toán gay gắt: Nếu trợ giá xăng dầu, ngân sách sẽ khó bề chịu đựng được; nếu tăng giá xăng dầu sẽ bùng nổ lạm phát và người nghèo bị thiệt hại nghiêm trọng. Inđônêxia, nước thành viên OPEC duy nhất ở Đông Nam Á vừa qua đã làm đơn xin ra khỏi khối này.
 
Là nước vẫn được coi là có giá xăng dầu rẻ nhất thế giới, Inđônêxia vừa qua đã phải tăng giá bán lẻ xăng dầu lên 28,7% vì nếu không, ngân sách sẽ phải bù khoảng 20 tỷ USD. Malaixia đang cố gắng bù mức thâm hụt vì lỗ từ xăng dầu dự tính trong năm nay sẽ vượt quá dự chi 12,5 tỷ USD. Nhiều nước khác như Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị tăng giá xăng dầu trong ít ngày tới.

Giá xăng dầu như vậy không thể không ảnh hưởng đến nước ta, một quốc gia chưa lọc được một giọt xăng nào nhưng mỗi năm tiêu thụ hết 3 triệu tấn xăng dầu các loại. Không khác so với nhiều nước, nếu kéo dài giá hiện nay, ngân sách nước ta không chịu nổi sức nặng của bù giá, nhưng nếu tăng giá xăng dầu vào thời điểm lạm phát chưa kiểm soát được triệt để, giá hàng hóa tăng, đời sống người ăn lương và người nghèo đang rất khó khăn sẽ xảy ra nhiều xáo trộn tiêu cực. Chính phủ vừa chỉ đạo duy trì việc bán xăng bình thường với giá ổn định, nhưng khả năng giữ giá như hiện nay sẽ rất khó nếu giá dầu thô tiếp tục tăng lên.

Nhưng hãy tạm gác chuyện đó lại để bàn một việc quan trọng hơn, việc mọi người đều có thể làm được nhưng chưa chú ý làm, một việc có tầm chiến lược, đó là tạo một nếp sống tiết kiệm năng lượng trong xã hội. Đời sống được nâng lên, không thể bắt người ta hạn chế dùng xe máy, ô-tô và sẽ đến lúc cả máy bay và tàu thủy riêng được.

Vấn đề là ở chỗ dùng các phương tiện đi lại đó có hợp lý không. Điều này rõ nhất với các phương tiện giao thông cơ giới của Nhà nước. Chỉ cần một điều tra  đơn giản, sẽ thấy được ở nước ta hiện có bao nhiêu xe công không thực sự cần thiết; bao nhiêu chuyến đi bằng xe công lẽ ra có thể tiết kiệm được. Với điện chẳng hạn, tình trạng lãng phí cũng khiến ta kinh hoàng.
 
Từ ngày có nhiều người giàu lên, lối sống xa hoa, lãng phí cũng nảy nở. Thói quen dùng thiết bị không cần quan tâm đến công suất tiêu thụ điện năng; dùng điện làm mát, điện chiếu sáng, điện đun nấu xả láng… đang khá phổ biến. Trong khi Thủ tướng Nhật Bản mặc sơ-mi, không đeo cà-vạt đi làm để tiết kiệm điện làm mát. Trong khi Thái Lan kêu gọi người dân dùng khí gas thay xăng và còn tính đến khả năng cho công chức làm việc tại nhà để tiết kiệm điện thì các công chức Việt Nam gần như mất thói quen đi bộ và mở cửa sổ để làm mát bằng gió trời.

Sử dụng năng lượng ngày càng nhiều nhưng lại rất ít chịu dùng những dạng năng lượng tái chế, năng lượng chất lượng thấp. Tuy là nước nhiệt đới, nguồn nắng, gió, thủy triều, khí thiên nhiên, địa nhiệt nhiều nhưng hầu như còn rất ít người biết đến những nguồn năng lượng này. Một bể biôga tạo khí đốt từ chất thải sinh hoạt rất hiếm thấy ở cả thành thị và nông thôn. Những thí dụ như thế có rất nhiều và dù có nhắc lại nhiều lần nữa cũng không nhàm, khi xăng dầu còn tăng giá, khi các dạng năng lượng truyền thống của trái đất đang cạn dần.

THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.