.

Mắt bão ở đâu?

Trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố  mới đây, một cử tri nguyên là sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu nêu một câu hỏi: Ta nói nhiều đến bão giá, vậy mắt bão ở đâu? “Mắt bão ở đâu?” đó là câu hỏi thường trực từ thực tiễn cuộc sống, nhưng để tìm câu trả lời không phải dễ dàng.

Mỗi thành phần, mỗi đối tượng xã hội có cách nhận định riêng, có sự lý giải riêng của mình về mắt bão.
Các nhà quản lý, các nhà kinh tế thì phân tích có ngọn nguồn, cơ  sở khoa học và thực tiễn. Còn những người dân quê tôi nhìn nhận mắt bão giá theo cách của họ.

Những cán bộ hưu trí, những đối tượng chính sách đang hưởng trợ cấp xã hội, tầng lớp những người làm công ăn lương, những nông dân mất tư liệu sản xuất do quá trình giải tỏa, chỉnh trang đô thị, tầng lớp tiểu thương, học sinh, sinh viên... “giữa muôn trùng áp lực” chi tiêu, nhưng đồng lương, nguồn trợ cấp khiêm tốn thì cái ăn với họ chiếm vị thế hàng đầu.
 
Phần “ngon” -  trong bữa ăn ngon - kết quả phấn đấu trong nhiều năm qua bị bão giá thổi bay, để lại một mối lo thường trực: Lo bữa. Vì vậy đủ cơm ăn là nỗi lo của những đối tượng chính sách, những người nghỉ hưu, những người dân nghèo trong ứng xử với bão giá. Trong thời gian qua, tuy thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm làm hạ nhiệt, tiến đến bình ổn giá gạo, nhưng vẫn không làm suy suyển một mặt bằng giá mới đã được xác lập. Giá gạo vẫn còn là mối bận tâm của những đối tượng chúng tôi vừa nêu.

Đối với nông dân, mối quan tâm hàng đầu là giá phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí mua cây, con giống tăng một cách chóng mặt. Giá lương thực tăng có lợi cho nông dân chăng? Nhìn bề ngoài, có vẻ như nông dân được hưởng lợi, nhưng trên thực tế - như một số bà con giải thích -  một mặt do nông dân cần vốn đầu tư nên phần lớn thóc bán ngay sau khi thu hoạch, mặt khác mức tăng giá gạo diễn ra chủ yếu trong khâu lưu thông, nên chúng tôi “là người ngoài cuộc”.

Còn với nông dân, giá bán thóc tăng chút ít nhưng giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng gấp bội phần. Những nỗ lực của nông dân một phần bị bão lũ cuốn trôi, một phần khác do bão giá chối bỏ, đẩy nông dân ngày càng xa hơn mục tiêu mà chúng ta đang nỗ lực phấn đấu...

Đối phó với bão giá, mỗi đối tượng có một cách riêng của mình. Doanh nghiệp tìm cách huy động vốn hòng thay thế nguồn vốn tín dụng ngân hàng lãi suất đang ở mức cao ngất nghểu. Ngư dân  phản ứng một cách tiêu cực là để tàu nằm bờ hoặc xả bản, giải nghệ. Còn những đối tượng chính sách xã hội, hưu trí, những người nghèo thì bất lực nhìn bão giá hớt ngay một phần khẩu phần ăn hằng ngày vốn rất khiêm tốn của họ. Đây là mắt bão mà chính quyền, các ngành, các cấp cần quan tâm.

Trong nỗ lực chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì một vấn đề quan trọng không thể không nhắc đến là phải bảo đảm an sinh xã hội. Nhân dân chia sẻ, ghé vai cùng Chính phủ nhằm đưa đất nước vượt qua cơn bĩ cực.

Dù phải nỗ lực tiết kiệm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, nhưng Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực hơn cho những trung tâm nuôi dưỡng người có công, những đối tượng chính sách neo đơn, khó khăn, các đối tượng xã hội đang hưởng trợ cấp từ phía Nhà nước, các đối tượng nghèo... Thiết nghĩ, đó là biện pháp cần được quan tâm nhất trong thời điểm hiện nay, nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

QUÝ LÂM

;
.
.
.
.
.