.

Nghĩ về chuyện “con voi chui qua lỗ kim”

Trong những ngày gần đây, Báo Đà Nẵng đăng tải nhiều thông tin tạo được sự chú ý của đông đảo bạn đọc.

- Báo Đà Nẵng Điện tử ra ngày 5 tháng 6 có bài viết phản ánh việc Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng, trong quá trình triển khai dự án đã san lấp thêm 39.532m2 ngoài diện tích đất và mặt nước đã quy hoạch. Nếu cộng thêm 121.070m2 mặt nước trong quy hoạch bị san lấp trái phép, thì số diện tích san nền sai quy hoạch lên đến 160.602m2.

- Ngày 9-6-2008, Báo Đà Nẵng đăng bài phản ánh tình trạng khai thác đá quý trái phép tại thôn An Sơn, xã Hòa Ninh. Mặc dù việc khai thác diễn ra gần cả tháng trời, nhưng khi trả lời phóng viên về vụ việc này, Chủ tịch UBND xã vẫn không hề biết.

- Trên trang 2 Báo Đà Nẵng số ra ngày 10-6-2008 phản ánh tình hình khai thác cát trái phép diễn ra hằng ngày trên các con sông Cu Đê, Túy Loan, Vĩnh Điện. Đây không phải là lần đầu báo chí đề cập đến tình hình này. Đã có nhiều bài phản ánh hậu quả nặng nề do việc khai thác cát trái phép gây ra; những kêu cứu thống thiết của người dân dọc hai bên sông lở lói. Nhưng kêu cứu thì mặc kêu cứu, hoạt động khai thác vẫn diễn ra hằng ngày. Thật là: “Ếch kêu trong vũng tre ngâm/ Ếch kêu mặc ếch, tre dầm mặc tre”.

Những chuyện xảy ra trên rừng, dưới biển tưởng như chẳng ăn nhập gì đến nhau trên lại có một sự liên hệ chung. Phải chăng ở những nơi xảy ra những chuyện “con voi chui qua lỗ kim” đó, vai trò quản lý Nhà nước, quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, của cơ quan chức năng bị buông lỏng, kỷ cương phép nước đã bị vô hiệu hóa. Bởi những đơn vị, địa phương này không đủ con người, năng lực chuyên môn, khả năng tài chính để thực thi công vụ? Vì vô cảm hay vì một lý do nào khác? Những khó khăn về cơ chế phối hợp, về con người, về kinh phí…
 
không phải không có, nhưng để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng trên chứng tỏ những người có trách nhiệm liên quan đến vụ việc hoặc không đủ năng lực kiểm soát tình hình trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, hoặc bị chi phối bởi các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ về lợi ích.
 
Những đoạn sông được coi là điểm nóng trên tổng cộng chỉ vào khoảng vài chục km nhưng hằng ngày có trên dưới 40 ghe thuyền hút cát công khai; một “khu đất nếu không là vàng thì cũng là quốc gia công thổ” nằm ngay trước mặt bàn dân thiên hạ - gần khu vực cầu Thuận Phước - người ta san lấp hàng trăm nghìn mét khối đất; một quả núi người ta đào nát… mà chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng nói “không biết” e khó thuyết phục được ai.
 
Còn nếu biết thì tại sao không xử lý mà cứ để cho “sa tặc”, “thạch tặc” lộng hành. Việc giải quyết quá khó, ngoài tầm của các địa phương, cơ quan chức năng sao? Chúng tôi không nghĩ như vậy. Chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, chúng ta có đủ bộ máy quyền lực, điều kiện vật chất để thực thi công vụ. Có lẽ, cái mà các đơn vị, địa phương nơi xảy ra các vụ việc này thiếu rõ ràng về trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân. Còn nhớ, cách đây không lâu, quận Thanh Khê dẹp bỏ được chợ hoa, cây cảnh bên bờ hồ Thạc Gián cũng phải qua cuộc “đấu tranh” quyết liệt, khó khăn biết dường nào.

Những người buôn bán hoa, cây cảnh phản ứng, một số cơ quan chức năng, thậm chí một số quan chức địa phương cũng không đồng thuận với chỉ đạo của cấp trên. Sự vụ dùng dằng cả năm trời mà chỉ khi có trách nhiệm cao của cơ quan Nhà nước mới kiên quyết xử lý được. Hay như ở Liên Chiểu mới đây, những trường hợp xây dựng nhà ở trái phép tại khu vực rừng đặc dụng Nam Hải Vân đã phải buộc tháo dỡ trước thái độ kiên quyết của chính quyền địa phương.

Chúng tôi biết khi bàn đến chuyện này không tránh khỏi sự động lòng của một số ai đó, nhưng làm theo lời Bác, ta phải nhìn thẳng vào những hạn chế, khuyết điểm, nói đúng bản chất sự việc để từ đó có hành động đúng. Không thể để những vụ việc vô lý mặc nhiên tồn tại trong một thành phố phát triển năng động, dám nghĩ, dám làm của chúng ta.

QUÝ LÂM

 

;
.
.
.
.
.