.

Nói không với bệnh thành tích

Thi đua ái quốc là tài sản quý báu, là sức mạnh to lớn mà Bác Hồ để lại cho nhân dân ta. Với phong trào thi đua ái quốc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy đến đỉnh cao, góp phần làm nên kỳ tích “một nước nhỏ đánh thắng hai đế quốc to” và xây dựng lại, tiến hành đổi mới để đất nước ngày càng to đẹp, đàng hoàng, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Những năm gần đây, cùng với những thành tựu phát triển của phong trào thi đua ái quốc, ở nhiều ngành, địa phương, nhiều cơ quan, đơn vị đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, gây tác động xấu, làm suy giảm sức lôi cuốn của thi đua ái quốc, mà bệnh thành tích là điều đáng chú ý.

Đã tham gia thi đua, ai, tổ chức nào cũng đều muốn có thành tích, đều phải vươn tới thành tích cao. Bác Hồ đã dạy “Thi đua là làm sao cho công việc hiện nay tốt hơn ngày hôm qua, thi đua là làm tốt hơn những công việc hằng ngày mà ta vẫn làm”.

Nhưng với những người động cơ thi đua không phải là lòng yêu nước nồng nàn mà là vì danh vị, lợi lộc cá nhân, họ sẵn sàng làm láo, báo cáo hay, đánh bóng thành tích của mình để được biểu dương khen thưởng.
 
Họ đã thiếu phẩm chất hàng đầu của con người chân chính, đó là trung thực. Cơ quan phụ trách (lãnh đạo) thi đua thì có thể vì quan liêu, thiếu sâu sát không thấy sự giả trá của họ mà đồng lõa với họ. Cũng có thể chính những cơ quan này cũng mắc bệnh thành tích, cũng rơi vào tệ lừa mình, dối người đã thừa nhận những thành tích hư ảo đó.

Ai cũng biết trong một lớp, phần lớn học sinh thường có trình độ trung bình; số giỏi, xuất sắc là rất ít và luôn thấp hơn số yếu kém. Vậy mà hàng chục năm liền ở hầu hết các trường, học sinh trung bình là “quý hiếm” vì gần 100% là tiên tiến, giỏi.

Thành tích cao như thế, nhưng hiện tượng ngồi nhầm lớp khá phổ biến, có học sinh học lớp 3, lớp 4 mà đọc chưa thông, viết không nên chữ, và khi đối mặt với các kỳ thi nghiêm túc thì điểm thi thấp một cách thảm hại.

Học sinh vào đời, sống và làm việc với thực lực, thực tài của mình chứ không thể dựa vào danh hiệu tiên tiến, giỏi có được nhờ lạm phát. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải mở cuộc vận động nói không với bệnh thành tích để chấn chỉnh những lệch lạc đã làm méo ló, hoen ố phong trào thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, với tiếng trống Bắc Lý vang dội, một thời từng là niềm tự hào của chúng ta. Nhưng xem ra bệnh thành tích không chỉ là trượng bệnh của ngành Giáo dục.

Hãy nhớ rằng cơm ta ăn, áo ta mặc đều phải là cơm thực, áo thực, ngay cả không khí ta thở (là một thứ của trời vô tận và được cung cấp miễn phí) cũng là không khí thực, thì chúng ta mới có sự sống thực.

Một xã hội, một đất nước chỉ có thể  tồn tại và phát triển bằng thực lực của mình. Chạy theo, mê đắm những cái gọi là thành tích hư ảo trước sau rồi cũng vỡ mộng và phải chấp nhận làm lại từ đầu, từ sự thực. Nói không với bệnh thành tích, chính là phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, để 60 năm vang mãi lời Người.        

NGUYỄN ĐÌNH AN                                    

;
.
.
.
.
.