.

Nội lực từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Một tín hiệu khả quan được đưa ra tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 10 (mở rộng), là trong điều kiện lạm phát, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua của thành phố vẫn đạt mức cao: 9,32%, trong đó công nghiệp ngoài quốc doanh (NQD) trên địa bàn Đà Nẵng đạt mức tăng trưởng cao nhất 61,72% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, công nghiệp QD địa phương lại giảm với tỷ lệ tương ứng!

Nhờ sự trỗi dậy từ nội lực của các DNNQD đó, mà giá trị công nghiệp địa phương tăng 27,18%, bằng 53,19% kế hoạch năm. Về đầu tư, thì trong tổng số 5.043 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn từ đầu năm đến nay, vốn dân cư và các DNNQD đạt 3.264 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 64,7%. Rõ ràng, đây là một con số ấn tượng, cho thấy việc đầu tư cho phát triển của khối NQD đang ngày càng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong đầu tư phát triển kinh tế của Đà Nẵng.

Sự khởi sắc này cũng cho thấy, việc triển khai những chính sách ngày càng thông thoáng của thành phố đã có một tác động kích thích, khuyến khích lớn trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho sự phát triển chung của thành phố. Trong 6 tháng, toàn thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho 1.177 DN, nâng tổng số DN của thành phố hiện nay lên con số hơn 9 nghìn, qua đó tạo nên một sức bật mới cho phát triển của thành phố trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Lý giải cho sự vươn lên trong đầu tư và tăng trưởng của các DNNQD là điều không khó khăn, bởi tất cả đều biết tính toán một cách thận trọng trong việc sử dụng hiệu quả từng đồng vốn trước những bất ổn của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, các DNNQD địa phương “đông nhưng không mạnh”, do lượng vốn ít, hầu hết là vốn vay ngân hàng với thời hạn ngắn nên chịu sự phụ thuộc rất lớn. Trong tổng số dư nợ 26.900 tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố 6 tháng qua thì DN dân doanh chiếm 87%.

Điều đó cho thấy, trong “cơn sốt” về lãi suất cho vay và “cơn lốc” giá cả hiện nay, các DNNQD phải chịu một sức ép rất lớn. Đối với các DN hoạt động trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, thì sức ép càng lớn hơn do bất ổn trên thị trường tiền tệ; cụ thể là mâu thuẫn tỷ giá trong việc thanh toán bằng USD. Chính vì thế, để khuyến khích thành phần kinh tế NQD, các nhà quản lý cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, có chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng để các DN có thêm sức mạnh, duy trì sản xuất kinh doanh, góp phần cùng đưa “con tàu” kinh tế của thành phố cũng như cả nước vượt qua cơn sóng dữ một cách an toàn...

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.