.

Suy nghĩ từ cái chết của nạn nhân bán thận Tô Công Luân

Trước đây, đọc thông tin sinh viên Tô Công Luân bán thận ở Trung Quốc, khi trở về nước chống chọi với bệnh tật, chờ chết, tôi thấy rất xót xa. Nay nghe tin Luân qua đời, tôi đã không sao cầm được nước mắt.

Nghe tin Luân mất, nhiều câu hỏi của bạn đọc đặt ra từ góc nhìn pháp luật đối với đường dây mua bán thận ra nước ngoài trái phép. Riêng tôi, tôi có một góc nhìn khác về tình người, về đạo đức của con người.

Một học sinh nghèo ở miền quê như Luân, được vào đại học là ước mơ cháy bỏng. Ước mơ đó của Luân đã trở thành hiện thực. Đó không chỉ là ước mơ của bản thân Luân, của gia đình mà còn là của quê nghèo Ninh Phước, Ninh Thuận.
 
Ước mơ một ngày nào đó ra trường, có việc làm, có tiền, Luân sẽ nuôi sống mình và giúp đỡ cho gia đình đã không còn nữa. Thật xót xa sao, trong niềm ước mơ cháy bỏng, mong muốn học hành để đến khi ra trường phục vụ đất nước, xã hội và gia đình, em đã bán đi một phần cơ thể của mình để kiếm tiền ăn học. Sự nghèo túng của gia đình, cộng với những suy nghĩ nông cạn của bản thân đã giết chết ước mơ tốt đẹp của một sinh viên trai trẻ.

Ở làng quê Việt Nam ta hiện nay còn bao nhiêu sinh viên nghèo như Luân, bao nhiêu sinh viên nghèo đang thiếu tiền ăn học, mong rằng trong số đó có ai nằm trong hoàn cảnh như của Tô Công Luân, xin đừng làm những điều dại dột ấy…

Chúng ta đã có nhiều chương trình ý nghĩa và thiết thực như vận động kinh phí của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân giúp đỡ xóa nhà tạm, xóa đói giảm nghèo, giúp nạn nhân chất độc da cam, giúp trẻ em nghèo, phụ nữ nghèo bất hạnh, bị bệnh hiểm nghèo, v.v.., thế nhưng tại sao chúng ta không có chương trình vận động giúp đỡ sinh viên nghèo “vượt cạn”?

Tôi được biết, có nhiều tổ chức, doanh nghiệp có chương trình giúp đỡ (tuy không nhiều và phổ biến lắm) học sinh, sinh viên nghèo học giỏi, tại sao chúng ta không có chương trình giúp đỡ cho các học sinh, sinh viên vì quá nghèo mà học kém, không được học… Chính phủ cũng đã có chương trình cho sinh viên nghèo vay vốn để học tập, thế nhưng nguồn vốn vay còn ít, hạn chế vì các thủ tục nên số sinh viên được tiếp cận vay vốn không nhiều…

Ai đã lôi kéo, dụ dỗ Tô Công Luân sang bên kia biên giới bán đi một phần cơ thể của mình? Số tiền họ kiếm được qua phi vụ này là bao nhiêu so với một mạng người, so với nỗi mất mát quá lớn lao của một gia đình nghèo ở nông thôn khi mất con. Những người đó là ai? Đồng tiền nhuốm máu và nước mắt đó liệu có giúp họ sống hạnh phúc trên cõi đời này?

Và ai, bác sĩ nào đã cầm dao phẫu thuật vào cơ thể của Luân để lấy đi một bộ phận quý báu nhất, trong những bộ phận quý báu của con người. Chắc chắn, họ cũng đã từng là sinh viên, và trong số họ không ít người cũng xuất thân từ những gia đình nghèo, miền quê nghèo như Luân. Khi họ còn là sinh viên, chắc họ cũng đã một thời bụng ăn không đủ no, gia đình chắt chiu những đồng tiền để lo chi phí nuôi sống họ trong học tập.
 
Nếu đặt họ vào hoàn cảnh như Luân, họ có nhẫn tâm làm như vậy? Thế mà họ đã làm như vậy đấy. Những kiến thức họ học được ở trường là nhằm để cứu người. Thầy cô giáo dạy họ là làm thầy thuốc để cứu người chứ không để giết người. Hơn ai hết, khi cầm dao cắt đi một bộ phận quý giá của con người, họ hiểu người hiến thận sẽ nguy hiểm như thế nào đến tính mạng. Thế mà họ vẫn nhắm mắt làm việc đó…

Cái chết của Luân là nỗi mất lớn của gia đình, của quê hương, bạn bè và xã hội. Chắc chắn rằng, trước khi nhắm mắt ra đi, Luân ước mơ và ước mơ đến cháy lòng, trên trái đất này sẽ không còn ai như Luân, không còn những đường dây ác quỷ, không còn những thầy thuốc mất nhân tính mà Luân đã gặp trên cõi đời…

LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.