.

Tăng cường nội lực

Cơn biến động giá đã lan đến những ngõ ngách cuối cùng của thị trường, khi hàng điện tử cũng lên giá. Điều này thật khó tin, khi mà mặt hàng  này đang tràn ngập trên thị trường, và mỗi giờ trôi qua lại có thêm thông tin về sản phẩm mới. Cơn sốt giá đã vượt qua giới hạn cuối cùng, diễn biến tiếp theo sẽ là gì?

Về lý thuyết, lạm phát xảy ra chủ yếu do 3 nguyên nhân: Lượng cung tiền quá lớn, chi phí đẩy (giá nguyên liệu, nhiên liệu, nhân công...) tăng mạnh và thị trường khan hiếm hàng hóa. Dấu hiệu nhận biết lạm phát là tình trạng trượt giá, nghĩa là giá cả hàng hóa tăng nhanh, trong khi thu nhập và nhu cầu xã hội không tăng.

Theo logic này, các nhà kinh tế học đã chỉ ra rằng, tình trạng lạm phát hiện nay chủ yếu do hai nguyên nhân đầu (lượng tiền cung lớn và chi phí đẩy tăng cao). Nguyên nhân thứ 3 rất ít được đề cập tới. Tóm lại, Việt Nam không khan hiếm hàng hóa (?). Điều này có vẻ hợp lý, trước khi xảy ra cơn biến động giá USD trên thị trường tự do hồi tuần trước. Khi giá USD vượt qua ngưỡng quy đổi 18.000 VND/1 USD, ngay lập tức thị trường đã phản hồi mạnh mẽ: Giá các mặt hàng nhập khẩu tăng vụt. Phản ứng này nói lên điều gì?

Giá USD tăng rõ ràng gây áp lực lên các doanh nghiệp nhập khẩu, do họ phải dùng USD để thanh toán. Nhưng nhà nhập khẩu không muốn phá sản, họ buộc phải gây áp lực lên vai nhà phân phối. Đến lượt mình, nhà phân phối lại gây áp lực lên vai nhà bán lẻ. Và cuối cùng, tất cả các “nhà” gây áp lực lên vai người tiêu dùng. Chuỗi phản ứng này cho thấy, hàng hóa trên thị trường Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào kênh nhập khẩu.

Trong khi GDP năm 2007 chỉ vào khoảng 72 tỷ USD thì thâm hụt thương mại đã ngót nghét 20 tỷ USD; còn trong 4 tháng đầu năm, lượng nhập siêu đã ở mức trên 11 tỷ USD! Có thể nói, sự phụ thuộc vào nhập khẩu đã đẩy Việt Nam vào nhóm các nước lạm phát cao nhất châu Á kể từ khi xảy ra khủng hoảng thứ cấp thị trường bất động sản Hoa Kỳ đến nay.

Nhìn trực quan, Việt Nam không thể khan hiếm hàng hóa, người tiêu dùng có thể mua được bất cứ mặt hàng nào đáp ứng nhu cầu của mình ở trong nước, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hàng hóa bán trong lãnh thổ Việt Nam có bao nhiêu phần trăm được tạo ra từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước? Từ đây, mệnh đề “Việt Nam không thiếu hàng” có thể phải xem lại.
 
Nếu chấp nhận nó, đồng nghĩa với việc chấp nhận rằng, tình trạng lạm phát đang diễn ra xuất phát từ tất thảy 3 nguyên nhân chủ yếu trong kinh tế học: Lượng cung tiền lớn, chi phí đẩy tăng và khan hiếm hàng hóa. Có nghĩa là, chúng ta đang phải hứng chịu một “cuộc tấn công tổng lực” của các nguyên nhân.

Không ít dự báo quốc tế nói rằng, trong năm nay Việt Nam sẽ xảy ra biến động lớn, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính. Trường hợp xấu đó có lẽ khó xảy ra, khi mà niềm tin của nhân dân vào sự điều hành của Chính phủ vẫn còn rất cao, đồng thời niềm tin của các nhà đầu tư vào tiềm năng của thị trường Việt Nam vẫn chưa suy giảm (bằng chứng là các nguồn FDI vẫn đang đổ dồn vào Việt Nam).

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể dễ dàng phớt lờ các dự báo. Một lời phản biện thuyết phục nhất chỉ có thể là tăng cường nội lực, nói cách khác, tăng năng lực của nền sản xuất trong nước. Logic thông thường cho thấy, một khi “nội” mạnh, thì “ngoại” khó lấn hơn.

HOÀI PHONG

;
.
.
.
.
.