.

Trách nhiệm xã hội của nhà báo

Trách nhiệm xã hội - đó là niềm tự hào nhưng cũng là điều trăn trở, day dứt nhất của người làm báo. Nghề báo là nghề làm dâu trăm họ, một câu viết ra hứng chịu bao khen chê. Khen thì không mấy khi người ta nói ra nhưng có điều cần chê thì chê tức thì, chê ở nhiều nơi.

Nghề báo là nghề đẽo cày giữa đường, bao nhiêu người là có bấy nhiêu cách nghĩ, bấy nhiêu ý kiến, nhà báo thiếu bản lĩnh sẽ như anh chàng nọ, ai bảo gì cũng nghe. Từ chỗ nhà báo bị lẫn trong đội ngũ chung của những người làm công tác tuyên truyền, cổ động, nay tiếng nói của nhà báo ngoài trách nhiệm tuyên truyền, cổ động còn đại diện cho một bộ phận dư luận, còn có giá trị như một căn cứ pháp lý, còn là tiếng nói phản biện xã hội.

Trách nhiệm ấy vinh quang thật nhưng cũng thật nặng nề.  Trong cơ chế bao cấp cả về mặt tư tưởng, chỉ cần làm theo chỉ đạo là đủ, ai hăng hái thì đổi mới, sáng tạo, không thì cũng chưa sao. Nay không thế được nữa. Người làm báo phải tự khẳng định mình qua các bài báo nếu không muốn tự đào thải nhưng cũng phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì được thể hiện trên bài báo. Đó có lẽ là sự nguy hiểm nhất, khó khăn nhất, vất vả nhất nhưng cũng hứng thú nhất của nghề báo thời nay.
                                               
Cái khó đầu tiên của nghề báo là biết cái gì đúng, cái gì sai để ủng hộ hoặc chống lại. Gặp trường hợp cái sai rõ ràng  hoặc cái đúng rõ ràng thì rất dễ, không mấy khi nhà báo phạm sai lầm. Nhưng trong cuộc đời, lại có cái sai hoặc cái đúng có ranh giới không rõ ràng.

Bây giờ là sai nhưng nhiều năm sau lại đúng. Bây giờ là đúng nhưng trong tương lai không xa nó là sự hợp lệ bảo thủ, kìm hãm phát triển. Có người, có đơn vị vừa được tuyên dương anh hùng thời kỳ đổi mới không lâu, đã thấy ra tòa lãnh án. Có người bị tù nhiều năm, nhà báo lại gặp trong buổi chính quyền phải công khai xin lỗi họ.
 
Một chủ trang trại, một chủ doanh nghiệp đang “phất”, khó mà biết được động cơ kinh doanh của họ là vì tư lợi hay vì đất nước. Bản án của tòa là chân lý ư, không phải tất cả. Có hàng ngàn vụ án sai phải xử lại. Trong mớ bề bộn ấy, phân biệt được đúng sai, đưa được ra công luận cái sai, thắng được sự chống đối điên cuồng của cái sai để bảo vệ chân lý là cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ.

Gian khổ nhà báo thường gặp nhất là phải chống trả sự phản công của những thế lực xấu để bảo vệ, che giấu cái sai của chúng. Sự chống trả này có thể bằng cho tiền, bằng cho quyền, bằng cho chơi bời, ăn nhậu để rồi tự hư hỏng. Có thể bằng áp lực, bằng sự đe dọa từ nhiều phía, nhất là từ phía trên. Có thể bằng sự lừa gạt, “cho vào bẫy” với vô số những tài liệu, chứng cứ, lời lẽ lừa gạt. Nhiều bài báo “ngòi bút bị bẻ cong” thường bắt nguồn từ đây.

Không phân biệt được đúng sai còn do trình độ hiểu biết của người làm báo. Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, trong mở cửa và hội nhập, trong sự phát triển như giông bão của khoa học kỹ thuật… hoạt động kinh tế và các mặt đời sống xã hội diễn ra sôi động, mau lẹ và vô cùng phức tạp.
 
Nghề báo là một hoạt động xã hội trên diện rộng, hôm nay viết về một tấm gương trong ngành tin học, mai viết về một vụ tham nhũng đất đai, ngày kia  viết về những sai sót của sách giáo khoa… đòi hỏi về sự hiểu biết và cập nhật kiến thức là vô cùng mà mọi kiến thức có được đều phải từ vừa làm vừa học, không thể có nhà báo nào học hết các trường đại học rồi mới đi làm nghề. Không hiểu sâu về lĩnh vực mình viết, đành bảo sao biết vậy, hiểu sao viết thế, sai sót là khó tránh khỏi.

Trình độ dân trí ngày một nâng lên, nhu cầu thông tin cũng tăng không ngừng. Có chuyện cố ý giật gân, câu khách để bán báo nhưng cũng có những đòi hỏi khách quan của bạn đọc, không thể không nói. Trong nhiều điều nói ra, có điều đã rõ ràng, có điều hoàn toàn mới, đến khoa học chuyên ngành cũng chưa thể kết luận chắc chắn.

Bệnh “tê tê, say say” ở Hòa Bình, Thái Bình… sau mấy năm xuất hiện, đến nay ngành y tế cũng chưa hiểu là bệnh gì. Có những hiện tượng thu hút sự quan tâm của hàng triệu người nhưng còn vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta như chuyện tìm mộ, chuyện “con lộn, con lẫn”, chuyện những hiện tượng kỳ lạ trong thiên nhiên và con người… nói hay không, nói thế nào đang là thử thách với nhiều người làm báo.

Cái khó nữa của người làm báo là trả lời câu hỏi “nên hay không nên” trước khi cầm bút viết một bài báo. Nên hay không nên viết là câu hỏi thường được đặt ra trước một sự kiện phức tạp, nhạy cảm liên quan đến những vấn đề an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, dân tộc, tôn giáo, lịch sử, kinh tế, pháp luật đang được xã hội quan tâm, thông tin đưa ra có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Sự việc phức tạp, nhạy cảm còn liên quan đến tâm lý người dân, đến quan hệ kinh tế, quan hệ đối ngoại trong một thời điểm nhất định.

Về Luật Báo chí, không có điều nào cấm không được đưa tin về máy bay huấn luyện bị rơi; nổ kho đạn cũ; ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm;  dịch bệnh lạ ở người; một ngân hàng sắp vỡ nợ… Nếu không đưa tin đó tức là hạn chế quyền được biết của người dân, không cảnh báo kịp thời  cho người dân  những vấn đề mất an sinh để họ đề phòng. Nhưng thông tin  những sự kiện đó sẽ gây không ít phiền phức, thiệt hại. Sẽ ra sao khi khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài nhận được những tin tức bất an về môi trường, điều kiện sống ở Việt Nam.

Sẽ ra sao nếu những công ty nước ngoài nghi ngờ cà-phê, cá da trơn, lúa gạo của Việt Nam được sản xuất ở những vùng nhiễm độc điôxin nặng nề? Cân nhắc giữa lợi và hại của thông tin sẽ dẫn đến quyết định nên hay không nên đưa thông tin đó. Đây là vấn đề trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghề nghiệp của người làm báo. Trăn trở trước những điều “nên hay không nên” khó khăn hơn trước những điều “được hay không được” rất nhiều.

Cuối cùng, để làm tròn trách nhiệm xã hội của mình, nhà báo phải dám hy sinh. Để đưa lên mặt báo cuộc sống thực, suy nghĩ thực của người dân, nhà báo phải xuống nông thôn, lên miền núi, nhiều khi đi bộ, nhịn đói hàng buổi, nhuận bút không bù nổi chi phí dọc đường. Những vất vả như thế vẫn chưa bằng khi sự thật nhà báo muốn đưa ra công luận lại không được sự đồng tình hoặc bất lợi cho một số người có chức, có quyền. Sự trả giá cho việc làm tròn trách nhiệm xã hội trong trường hợp này có khi kéo dài suốt đời làm nghề.

Nhà báo cũng là con người, báo giới cũng là một bộ phận của xã hội. Cũng có những nhà báo “con sâu làm rầu nồi canh” vì thói hư tật xấu của họ. Nhưng vượt lên tất cả, sự dũng cảm, quên mình để làm tròn trách nhiệm xã hội của tuyệt đại đa số nhà báo đã làm nên uy tín của báo chí hôm nay.

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi cần biết một thông tin,  mỗi khi cần một sự giải thích đáng tin, mỗi khi bị oan khuất hay vui buồn, người dân tìm đến báo chí như tìm đến một chỗ dựa tin cậy. Đó là phần thưởng lớn nhất cho những người chọn nghề báo để thực thi trách nhiệm xã hội của mình.
6-2008

VŨ DUY THÔNG         

;
.
.
.
.
.