.

Trào lưu "đô la hóa"

Tại sao trên mặt các đồng tiền đều in hình quốc huy, danh nhân, sự kiện, sự vật nổi bật nhất của Tổ quốc? Tại sao nhìn vào mỗi đồng tiền, người ta có thể nhận biết được lịch sử, đặc trưng, hay ý niệm về quốc gia sở hữu nó? Tại sao trong ví của nhiều người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài thường có vài tờ VNĐ, dù rất hiếm khi sử dụng?
 
Câu trả lời tưởng như đã rõ, bởi ngoài chức năng thanh toán, đồng tiền còn mang trong mình những giá trị thiêng liêng của dân tộc. Thế nhưng, thật đáng mỉa mai khi không ít người trong chúng ta đang quên mất ý nghĩa đó. Một trào lưu đáng lo ngại đã hình thành và đang ngày càng đặt ra mối bận tâm đối với phần còn lại của cộng đồng.
 
Đồng tiền Việt Nam đang bị chính một bộ phận người Việt Nam ở trong nước “hắt hủi”; họ hướng vào một trào lưu xa lạ, tạm gọi là trào lưu “đô la hóa”. Trào lưu này trở nên đáng lo ngại hơn khi kinh tế đất nước nói chung và VNĐ nói riêng đang ở trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Chỉ riêng năm 2007, Việt Nam thu hút 20 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối 8 tỷ USD và kim ngạch xuất nhập khẩu 130 tỷ USD, trong khi tổng thu nhập quốc dân chỉ nhỉnh hơn 70 tỷ USD (nghĩa là lượng USD đổ vào nền kinh tế hoặc cần để giao dịch lớn gần gấp 3 lần GDP) thì việc đồng USD phát tán sâu rộng trong nền kinh tế không có gì là khó hiểu. Tuy nhiên, đó chỉ là một vế của vấn đề, chỉ với kinh tế đối ngoại mà thôi.

Đối với hoạt động kinh tế đối nội, bất kỳ quốc gia nào cũng bằng mọi cách duy trì sự vận động của đồng tiền nước mình. Việt Nam không ngoại lệ. Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản quy định về sử dụng nội tệ, trong đó bắt buộc các tổ chức kinh tế phải sử dụng đồng Việt Nam để thực hiện giao dịch kinh tế trong lãnh thổ Việt Nam (mua, bán, trả lương, đóng bảo hiểm, trợ cấp...).

Tuy nhiên, thực tế gần đây đã phản ánh một tình trạng sai phạm nghiêm trọng đến mức phổ biến. Điển hình trong số đó là các công ty tàu biển phía Nam ra thông báo bắt buộc khách hàng của mình phải thanh toán cước phí dịch vụ bằng USD. Nhưng không phải đến lúc này chúng ta mới chứng kiến sự phân biệt đối xử với đồng nội tệ.

Từ rất lâu, các cửa hàng bán xe hơi, xe máy phân khối lớn đã công khai quảng cáo giá bằng USD trên phương tiện thông tin đại chúng; hầu hết các cửa hàng máy tính, điện lạnh đều niêm yết giá bằng USD; không thể đếm hết các khách sạn niêm giá bằng USD; hàng chục nghìn tài khoản của người Việt Nam có số dư tính bằng USD; hàng triệu triệu câu chuyện hằng ngày được dùng USD để diễn tả mặt hàng hay thu nhập… Đó không phải là những “hiện tượng” rời rạc mà thực sự đã trở thành “tình trạng” liên hệ trực tiếp tới an ninh tiền tệ quốc gia. Và nếu nói rằng, nền kinh tế của chúng ta đang bị “đô la hóa” thì cũng không phải không thể dẫn chứng.

Điều gì sẽ xảy đến khi đồng nội tệ bị phân biệt đối xử? Trước hết là lãng phí. Kinh phí để in ra một đồng tiền không hề rẻ chút nào. Có những đồng tiền, chi phí để tạo ra hình hài thậm chí gần tương đương với giá trị mà nó sở hữu. Mỗi một giao dịch được thực hiện bằng USD có nghĩa là mỗi lần VNĐ “đứng ngoài”.

Điều này diễn ra trên bình diện rộng sẽ góp thêm vào danh mục nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Thứ đến, sự xung đột giữa ngoại tệ và nội tệ sẽ dẫn đến những rối loạn trên thị trường tiền tệ (như cơn sốt USD vừa diễn ra vào trung tuần tháng 6-2008).

Xa hơn nữa, theo một ý nghĩa nào đó, nội tệ chính là chủ quyền, là dân tộc - những thứ thậm chí không thể đề cập. Làm gì để ngăn chặn trào lưu đô la hóa? Câu trả lời chắc không chỉ là những nỗ lực phi thường từ phía chính quyền mà cả trong suy nghĩ, hành xử của mỗi công dân Việt Nam. 
 
NGUYỄN THỊ EM

;
.
.
.
.
.