.

Vì một nền kinh tế ít các-bon

Ngày 5-6 là Ngày Môi trường thế giới. Đây là sự kiện quốc tế thường niên quan trọng mà mỗi người chúng ta sống trên trái đất này luôn đặc biệt quan tâm và đòi hỏi phải có trách nhiệm thực hiện cùng cộng đồng.

Không phải ngẫu nhiên mà cách đây 30 năm, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã khởi xướng lấy ngày này là Ngày Môi trường thế giới nhằm hướng con người đến những hoạt động có ý nghĩa trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng.

Và cũng không phải ngẫu nhiên, cùng với nhân dân toàn thế giới, trong cả nước, ngày 5-6 hằng năm được người Đà Nẵng đón nhận bằng những hoạt động cụ thể và hữu ích, thân thiện với môi trường như: Ra quân làm sạch môi trường ven biển, đạp xe cổ động-truyền thông bảo vệ môi trường, tổng vệ sinh các khu dân cư, các trụ sở, cơ quan làm việc, các hồ nước, trồng cây trên các đường phố, ven các bãi biển…

Ngày Môi trường thế giới là cơ hội để khuyến khích nhận thức và hành động toàn cầu về môi trường và
nâng cao sự quan tâm đối với môi trường. Mọi người đều chung tay đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường bởi họ hiểu rất rõ rằng, cả thế giới đang đứng trước những hiểm họa của môi trường; cả loài người đang hằng ngày, hằng giờ đối mặt với vấn đề bảo vệ môi trường  như khí thải hiệu ứng nhà kính, nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng và ô nhiễm môi trường.
 
Nguyên nhân tác động đến môi trường có nhiều, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do tác động của con người. Chúng ta đang khai thác quá mức nguồn tài nguyên của trái đất, sử dụng lãng phí các nguồn nguyên liệu hiện có trong khi lại chưa tận thu nguồn nguyên liệu trong thiên nhiên, hoặc từ chất thải. Chúng ta cũng chưa có những thói quen sử dụng hay sản xuất sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường…

Ngày nay, bảo vệ môi trường đang trở thành vấn đề bức bách của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc và toàn thể nhân loại. Thói quen của con người đã hủy hoại tài nguyên, làm thay đổi khí hậu của toàn cầu và gây ra biết bao bệnh tật hiểm nghèo… Ngày Môi  trường thế giới năm nay với chủ đề “Hãy thay đổi thói quen! Hướng đến một nền kinh tế ít các-bon”. Với thông điệp này, một lần nữa đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, mỗi người chúng ta hãy từ bỏ những thói quen lãng phí, hãy có thái độ và hành vi ứng xử thân thiện với môi trường, sống tiết kiệm và có trách nhiệm với môi trường để hướng đến một nền kinh tế, một cuộc sống ít khí thải các-bon.

Với chủ đề này, một lần nữa giúp cho mỗi người chúng ta nhìn nhận ra rằng, sự biến đổi khí hậu đang trở thành một vấn nạn của thời đại, yêu cầu các quốc gia, các tập đoàn kinh tế, các đơn vị sản xuất kinh doanh và cộng đồng tập trung vào sự phát thải khí nhà kính và làm thế nào để giảm thiểu chúng, tôn vinh những phương cách và sáng kiến đẩy mạnh nền kinh tế và phong cách sống ít các-bon, như cải thiện hiệu quả năng lượng, sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, bảo tồn và sự tiêu dùng thân thiện với sinh thái…

Đối với thành phố Đà Nẵng trong thập niên vừa qua, cùng với sự đổi thay về xây dựng, kiến trúc, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân thành phố đã được nâng lên đáng kể. Những ngày chủ nhật xanh trên địa bàn thành phố vẫn được ra quân đều đặn. Cùng với sự đầu tư ngân sách của Nhà nước, vấn đề bảo vệ môi trường đang được xã hội hóa và đã thu được những kết quả khả quan. Với ý thức của một người dân đô thị loại 1, người dân Đà Nẵng bây giờ không những tự ý thức bảo vệ môi trường mà còn biết lên tiếng phản đối những hành vi gây phương hại đến môi trường sống của cộng đồng. Tuy vậy, thực tế vẫn còn một bộ phận người dân thờ ơ với công tác bảo vệ môi trường chung quanh và vẫn còn đâu đó tình trạng gây xâm hại đến môi trường.

Hướng đến một nền kinh tế ít các-bon, mỗi người chúng ta hãy thực hiện bằng những việc làm cụ thể và đơn giản nhất trong cuộc sống thường ngày. Các địa phương, các đoàn thể cần duy trì phong trào ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp; từng gia đình dọn vệ sinh trong nhà, ngõ xóm; khơi thông cống rãnh; đổ rác và nước thải đúng nơi quy định, không ném xác súc vật chết ra đường phố, kiệt hẻm; không phóng uế bừa bãi, hãy cùng nhau cúi xuống nhặt rác bỏ vào thùng; mỗi gia đình xin hạn chế sử dụng bao bì nilon; tận dụng và tái chế giấy cũ để tiết kiệm được một khối lượng lớn nguyên liệu gỗ; giảm thiểu chất thải rắn cho vào bãi rác và tiết kiệm diện tích bãi chôn lấp; hãy trồng và bảo vệ cây xanh; hãy tắt máy điều hòa, quạt máy, đèn điện trước khi rời khỏi cơ quan, công sở, v.v…

Định hướng của thành phố Đà Nẵng là đô thị loại 1 cấp quốc gia và trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hơn thế nữa, Đà Nẵng đang phấn đấu xây dựng một thành phố môi trường - một thành phố sáng-xanh-sạch-đẹp. Để đạt được mục tiêu này, tất cả đang phụ thuộc vào chúng ta, những người dân luôn có ý thức bảo vệ môi trường của một thành phố môi trường…

LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.