.

15-11: ngày gì vậy?

Xin nói ngay: Đó là ngày mà tất cả các loại mũ bảo hiểm (MBH) thời trang không hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ không được sản xuất và lưu hành. Lời khẳng định này vừa được ông Trần Quốc Thắng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát ngôn trên báo chí.

Quyết định chẳng lấy gì mới mẻ, nếu không nói là quá chậm chạp nêu trên xuất phát từ kết quả kiểm nghiệm của Bộ này, rằng “hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại MBH thời trang như mũ vành cứng, nón lót vải thời trang khổ rộng che khuất tầm nhìn và hầu hết không  bảo đảm an toàn cho người đi xe máy. Những cái mũ này thực chất người tiêu dùng cũng biết nó không đủ độ an toàn để bảo vệ tính mạng và sức khỏe khi đi xe, nhưng họ vẫn dùng là để đối phó”…

Nhân “sự kiện” này, có người lại đặt câu hỏi: Sai phạm khi đội MBH thời trang rành rành vậy, thế sao không cấm ngay mà phải chờ đến ngày “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia MBH cho người đi mô-tô, xe máy” có hiệu lực từ ngày 15-11? Nói xa hơn chút nữa, tại sao quy định “chuẩn hóa” này lại không được ra đời trước thời điểm bắt buộc người đi mô-tô, xe máy phải đội MBH? Tại sao vậy?

Có điều gì đó làm cho người dân có cảm giác nhùng nhằng giữa các quy định “bám đuôi” thực tiễn. Và rõ ràng, chuyện này nảy sinh các hậu quả không đáng có: Nhà sản xuất cứ sản xuất, dân cứ bỏ tiền mua, các cơ quan chức năng tốn thời gian, công sức xử phạt, vi phạm trên lĩnh vực TTATGT cứ thế liên tiếp xảy ra và điều đáng nói nhất là đội MBH nhưng vẫn không “bảo hiểm” được cái đầu. Sự lãng phí tiền tỷ của dân rõ ràng xuất phát từ cái mớ nhùng nhằng này chứ ở đâu xa!

Nhưng nói như vậy vẫn chưa hết ý. Chung quanh cái MBH, không riêng gì MBH thời trang, mà theo số liệu thống kê trước đây của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ngay cả các loại MBH không thời trang vẫn còn có đến 80% không đạt chất lượng. Cơ quan chức năng có lần phải ta thán “bó tay” với MBH giả, và thừa nhận chất lượng MBH hiện chỉ chờ vào lương tâm của nhà sản xuất(?).

Thử đặt câu hỏi: Đến ngày N (15-11), khi các cơ quan chức năng cấm sản xuất, sử dụng MBH thời trang, thế thì đối với MBH không thời trang nhưng không đạt chất lượng thì giải quyết ra sao? Nhập nhằng ở chỗ, vấn đề đáng quan tâm là MBH có bảo  đảm chất lượng hay không, chứ không phải MBH có thời trang hay không thời trang.

Những vấn đề này chắc chắn đang đặt ra cho cơ quan chức năng nhiều việc phải làm. Song tựu trung lại, thêm bài học chẳng có gì mới mẻ rằng: Các quyết sách chỉ phát huy được tác dụng tốt khi cơ quan chức năng có tầm nhìn xa, phản ứng nhanh và tích cực. Nếu không được vậy, hệ lụy người dân sẽ lãnh đủ!

HOÀNG VIỆT

;
.
.
.
.
.