.

Bình đẳng trước pháp luật!

4 năm trước, khi Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự vừa ra đời, nhiều người đã bày tỏ sự quan ngại, vì cho rằng nghị quyết này sẽ làm chùn tay những người thực thi công vụ. Họ viện dẫn: Một khi vừa tham gia tố tụng vừa nơm nớp lo có thể mình sẽ bị “việt vị” sẽ khiến cho những người cầm cân nảy mực không dám đưa ra những phán quyết thật sự nghiêm khắc.

Lập luận này là có cơ sở, ít nhất là trên khía cạnh tâm lý. Nhưng đòi hỏi từ cuộc sống, từ yêu cầu nâng cao tính dân chủ, công bằng trong các hoạt động của Nhà nước cũng như trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân - trong đó có tố tụng, thì cấp thiết hơn. Vì thế, Nghị quyết 388 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được xã hội đồng tình ủng hộ.

Khi đó, người ta mới vỡ ra rằng, nghị quyết này không hề khiến những người cầm cán cân công lý chùn tay mà ngược lại, buộc họ phải làm việc thận trọng hơn, đưa ra các phán quyết chính xác hơn, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Còn những người không may bị xử oan trước đó (và kể cả sau khi có Nghị quyết 388) sẽ có cơ hội được phục hồi danh dự và cao hơn là quyền công dân của mình. Sự nghiêm minh của pháp luật không chỉ có nghĩa là người có tội phải bị trừng phạt mà còn ở chỗ, người bị kết tội oan phải được minh oan. Đó là sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật.

Trước đó, vào năm 1997, những phản ứng và quan ngại tương tự cũng đã xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, công chức, khi Nghị định 47/NĐ-CP của Chính phủ về “trách nhiệm bồi thường của công chức khi thi hành công vụ” có hiệu lực thi hành. Nhưng rồi mọi việc cũng đã lắng xuống. Tình trạng công chức né việc, nhất là những công việc có tính nhạy cảm vì sợ có thể xảy ra sai sót đến mức bị quy trách nhiệm bồi thường, đã không xảy ra như dự đoán của một số người.
 
Ngược lại, tinh thần trách nhiệm và tính chính xác trong hoạt động công vụ của hệ thống hành chính không ngừng được nâng lên. Đây là kết quả của cả một quá trình cải cách hành chính dài lâu và liên tục; trong đó có phần đóng góp của nghị định trên - thông qua các điều khoản ràng buộc và điều chỉnh hành vi công chức.

Như một cách để tiếp nối và phát huy những mặt tích cực  của hai văn bản trên, mới đây, dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước đã được soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến toàn dân. Nếu không có gì thay đổi, dự thảo luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Với tinh thần chính là cụ thể hóa trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi công chức thực thi công vụ gây thiệt hại cho người dân, bộ luật này - tuy chưa ra đời, đang gây “lo lắng” cho một số cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan công quyền. 

Tuy nhiên, cái “bóng” tâm lý ấy sẽ không thể trùm lên hay níu giữ được sự vận hành hợp quy luật và rất mạnh mẽ của đời sống xã hội. Bởi lẽ, nâng cao tính bình đẳng trong mối quan hệ Nhà nước - công dân không chỉ nhằm tăng tính đồng thuận và hài hòa trong xã hội mà xa hơn, còn nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền.
 
Ở đó, tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đề cao. Ở đó, không chỉ có người dân bình thường mà cả các cơ quan công quyền, những cá nhân nắm giữ các vị trí quan trọng ở thượng tầng xã hội cũng đều phải sống, làm việc theo pháp luật, chịu sự điều chỉnh của pháp luật một cách bình đẳng...

BẢO ANH

;
.
.
.
.
.