6 tháng đầu năm 2008, toàn thành phố đã xóa 62,7% số hộ nghèo. Theo dự báo của Ban Văn hóa-xã hội HĐND thành phố, khả năng đến cuối năm này Đà Nẵng cơ bản xóa hết hộ nghèo theo chuẩn thành phố (mức thu nhập 300.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nội thành và 200.000 đồng đối với khu vực còn lại).
Như vậy, thành phố không còn người nghèo chăng?
Hậu quả của các trận lụt bão, đặc biệt của cơn “bão giá”, đã đẩy cuộc sống của những người nghèo vào thế khó khăn hơn. Theo một cuộc khảo sát mới đây của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn thành phố hiện còn 4.400 hộ nghèo; hộ cận nghèo là 11.971 hộ với 44.500 nhân khẩu; 12.375 đối tượng trong diện trợ cấp xã hội, riêng những gia đình chính sách thuộc diện đặc biệt khó khăn là 1.062 hộ.
Danh sách đối tượng nghèo có xu hướng dài ra, bởi ngoài những nguyên nhân vừa nêu, còn bị tác động bởi áp lực đô thị hóa. Nhiều nông dân cầm trong tay vài ba trăm triệu đồng tiền được đền bù, giải tỏa nhưng vẫn rất phấp phỏng khi định liệu cuộc sống của gia đình trong tương lai. Tư tưởng bất an là có thật vì họ mất tư liệu sản xuất, không có việc làm, miệng ăn núi lở, đó là con đường dẫn đến đói nghèo.
Chúng ta có thể thỏa mãn với những nỗ lực xóa đói giảm nghèo (theo chuẩn cũ), nhưng chúng ta không thể an lòng trước đời sống thực tế quá khó khăn của một bộ phận nhân dân hiện nay đang gặp phải. Còn nhớ, năm 2004 vào thời điểm Đà Nẵng cơ bản xóa hết các hộ diện nghèo theo chuẩn cũ, thay vì công bố kết thúc thắng lợi chương trình thì lãnh đạo thành phố lại đưa ra một quyết định được coi là đầy trách nhiệm với nhân dân: Nâng chuẩn nghèo.
Với chuẩn mới, 13,21% số hộ, với hơn 91.000 nhân khẩu trên toàn thành phố nằm trong diện phải giảm nghèo. Đó là nhiệm vụ khó khăn. Nhưng cái được lúc đó là sự ủng hộ của dân chúng. Dư luận xã hội ghi nhận, quyết sách đó gắn kết hơn lòng dân với Đảng, với chính quyền, rằng thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo không phải ngày một ngày hai, không chạy theo thành tích, mà cốt lõi là tạo chuyển biến thực sự về chất lượng sống của nhân dân, về an sinh xã hội.
Nâng chuẩn nghèo là một sự chia sẻ với những khó khăn mà nhân dân đang gặp phải của chính quyền thành phố. Tuy vậy, đến nay, chuẩn nghèo năm 2004 đã không còn phù hợp và không còn đóng vai trò là mục tiêu, là động lực nữa. Việc nâng chuẩn nghèo nhằm nâng cao mức sống của những đối tượng này là một đòi hỏi thực tế.
Người nghèo cần nâng chuẩn nghèo vì với mức 300.000 đồng hiện nay, nếu mua đủ gạo thì thiếu tiền mua mắm, muối, dưa cà, còn dành tiền chợ, thì không đủ tiền gạo, nói chi đến việc mua sắm vật dụng, nhu yếu phẩm khác, lo việc học hành cho con cái, ốm đau, hiếu hỷ...
Người nghèo cần nâng chuẩn nghèo vì với mức 300.000 đồng, tuyệt đa số người nghèo hiện nay được đưa ra khỏi chương trình, và vì vậy, dù mức sống của họ chưa được cải thiện, nhưng họ không được thụ hưởng những ưu đãi của Nhà nước về chăm sóc y tế, các khoản đóng góp cho con em học hành, không được ưu tiên các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, các khoản trợ cấp thường xuyên hay đột xuất...
Tuy vậy, trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, trừ những trường hợp người nghèo không có khả năng lao động, người già không nơi nương tựa phải sống bằng nguồn trợ cấp, số còn lại, từ những hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng, phải tự phấn đấu vươn lên. Nhóm đối tượng này cần khắc phục 2 cách nghĩ lệch lạc.
Đó là tính ỷ lại, không chịu lao động mà chỉ trông chờ vào của bố thí của người khác theo kiểu “Đại Lãn chờ sung” và tính tự ti trước thân phận: “Cây khô nhúng nước cũng khô/Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo”, từ đó mà thụ động, cam chịu trước cuộc sống. Nâng chuẩn nghèo, tức nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, của cộng đồng với người nghèo và quan trọng hơn người nghèo phải ý thức được rằng, với nguồn hỗ trợ ban đầu này, phải vươn lên tự cứu lấy mình.
PHÚC NGUYÊN
.
.
Chật hẹp chuẩn nghèo
Thứ Hai, 14/07/2008, 11:18 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.