.

Chứng khoán đổi chiều

Các phiên giao dịch chứng khoán ngày 28, 29, 30-7-2008 đã chứng kiến một sự đổi chiều ngoạn mục, tăng trung bình 4-5 điểm. Có lẽ còn hơi sớm để dự đoán về khả năng phục hồi, nhưng diễn biến nói trên đã rọi vào nền kinh tế một tia hy vọng mới sau những xáo trộn và lo âu.

Thị trường chứng khoán, với bản tính cực kỳ nhạy cảm, có thể xem là thước đo phản ánh sự ấm - lạnh của môi trường kinh tế. Ngay sau khi Chính phủ cho phép tăng giá bán lẻ xăng, dầu, nó đã trượt dốc liên tiếp 7 ngày liền. Một số nhà kinh tế thậm chí đã dự báo về một cuộc tháo chạy của hàng loạt nhà đầu tư, từ đây khởi đầu cho những sụp đổ trong nền tài chính. Thật may, bi kịch đó đã không xảy ra, ít nhất là đến lúc này. Điều này một lần nữa khẳng định, chính sách điều hành của Chính phủ là khá an toàn.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính Trần Tô Tử (thuộc trường Hành chính Kennedy, Đại học Havard) nói: “Sở dĩ nền kinh tế của chúng ta cứ “giật cục” như hiện nay là do chính sách điều hành ngắn hạn của Chính phủ chưa thật sự nhuần nhuyễn với tình hình biến động chung. Tuy vậy, những chính sách đó sẽ dần dần được điều hòa trong khoảng thời gian muộn nhất là cuối năm 2009”. Ông Trần Tô Tử nói thêm: “Đã có những lúc chúng ta lạm phát 600%, nhưng có chết ai đâu. Vấn đề không phải là lạm phát ở mức nào, mà cái chính là chúng ta có đủ bản lĩnh, niềm tin để đối đầu và vượt qua thách thức hay không”.
 
Như vậy, những khó khăn hiện nay không chỉ là sự gia tăng của các chỉ số đầu vào mà còn có những vấn đề thuộc về tâm lý. Sự đổi chiều của chứng khoán vào những ngày cuối tháng 7-2008 cho thấy, các nhà đầu tư ở thị trường nhạy cảm nhất đã bắt đầu lấy lại niềm tin. Nên nhớ rằng, mỗi quyết định đầu tư đều là kết quả của một quá trình nghiên cứu, cân nhắc hết sức kỹ càng. Chính vì vậy, bằng sự trở lại của mình, các nhà đầu tư đã gián tiếp khẳng định tính hợp lý trong quá trình điều hành của Chính phủ và đặt cược vào triển vọng của nền kinh tế.

Cách đây ít lâu, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Hoa Kỳ trở về, một người trong đoàn nói lại rằng, khó khăn là khó khăn của cả thế giới, ngay cả Hoa Kỳ cũng khó chứ riêng gì Việt Nam đâu. Vậy mà chẳng hiểu sao ta cứ ầm ỉ cả lên, như thể chết đến nơi rồi. Vấn đề là không phải cứ “sục sôi” lên thì mới hết khó. Cái mà người dân và doanh nghiệp cần là sự bình tâm xem xét, nhận định để đưa ra quyết định hợp lý. Phải chăng, đó là cách mà các nhà đầu tư chứng khoán đã ứng xử trong những ngày vừa qua.

NGUYỄN THỊ EM

;
.
.
.
.
.