Trong những ngày đầu tháng 7, cả Đà Nẵng “nóng” lên với việc tiếp đón hơn 32 nghìn thí sinh từ khắp mọi miền đổ về để tham dự kỳ thi tuyển sinh vào đại học (đợt 1); và tiếp tục trong những ngày này là gần 20 nghìn thí sinh trong đợt 2. Những lo toan bộn bề về nơi ăn, chỗ ở... luôn thường trực, không chỉ đối với thí sinh mà cả người thân của các “sĩ tử” lần đầu tiên đến với thành phố biển này.
Thế nhưng, những lo toan đó đã vơi bớt đi phần nào, khi bước chân xuống bến xe, sân ga... bên cạnh họ là đội quân thanh niên tình nguyện (TNTN) luôn túc trực ngày đêm, sẵn sàng và tận tình hướng dẫn, giúp đỡ từ đường đi đến nơi trọ, chỗ thi cũng như nhiều vấn đề cần quan tâm. Hơn 1 nghìn TNTN luôn sẵn sàng như vậy tại 84 địa điểm “tiếp sức” cho thí sinh trong cả 2 đợt thi; mà nói theo ngôn ngữ của phong trào là Đoàn, Hội Thanh niên luôn “đồng hành” với thanh niên. Và trong đợt 1, đã có hơn 10 nghìn thí sinh và thân nhân họ được tư vấn trong chiến dịch “tiếp sức” đầy ý nghĩa này.
Điều đáng nói, là hơn 12 nghìn chỗ trọ giá rẻ và 1.500 chỗ trọ miễn phí đã được “dọn” sẵn để đón chờ các thí sinh về với thành phố biển mến khách này. Từ mẹ Hồng (quận Thanh Khê) dù suốt ngày phải đi bán vé số kiếm ăn qua ngày nhưng cũng rộng lòng đón mỗi đợt từ 5-10 thí sinh về ngôi nhà nhỏ của mình để lo từ bữa ăn, giấc ngủ để các cháu thi tốt; đến những gia đình nhường hẳn cả căn nhà cho các “sĩ tử”, còn mình thì qua nhà con cháu ở tạm vài ngày. Lý giải điều gì trước những tấm lòng như vậy? Đó không gì khác hơn chính là sự “đồng hành” một cách thiết thực của tổ chức Đoàn, Hội đối với thanh niên đã thu hút cả cộng đồng cùng tham gia với mình, tạo nên một cuộc “đồng hành” lớn trong toàn xã hội!
Từ tấm lòng của các bạn trẻ, với sự hưởng ứng của cả cộng đồng, hoạt động “Tiếp sức mùa thi” đã ngày càng trở nên “chuyên nghiệp” hơn, vì thế chất lượng của hoạt động này ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đội quân TNTN, không chỉ là các gia đình luôn sẵn sàng “nhường cơm sẻ... chỗ nằm”, mà các doanh nghiệp, tổ chức xã hội khác cũng vào cuộc. Tập đoàn Văn phòng phẩm Thiên Long là một ví dụ. Từ sự hỗ trợ về kinh phí cũng như các điều kiện vật chất khác từ tập đoàn này, các hoạt động chuyên nghiệp đã được bổ sung như: Hỗ trợ vật dụng thi, gọi điện thoại miễn phí, truy cập Internet và photocopy miễn phí dành cho thí sinh đã được đáp ứng kịp thời.
Như vậy, có thể thấy, từ những hoạt động thiết thực và cụ thể của bản thân tổ chức Đoàn, Hội nhằm “đồng hành” với thanh-thiếu niên, thì cả xã hội sẽ nhận ra những giá trị đích thực để từ đó “đi chung” với thanh niên trên con đường dấn thân vì sự nghiệp chung của mình. Đấy chính là mục tiêu của chương trình “4 đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân lập nghiệp” do Đoàn Thanh niên đặt ra trong giai đoạn mới.
Từ những hoạt động tình nguyện như: “Tiếp sức mùa thi”, “Ánh sáng văn hóa hè”, tình nguyện giúp đỡ đồng bào miền núi, vùng khó khăn…, với những kết quả thiết thực, tổ chức Đoàn, Hội cũng như thanh niên đã tạo nên một “tiếng vang” - hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là “thương hiệu” cho tổ chức mình, tạo nên một hiệu ứng xã hội rộng rãi. Từ “hiệu ứng” đó, họ đã tiếp nhận được nhiều sự đồng thuận, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Thế nhưng, nhìn lại, vẫn có chưa nhiều hoạt động tạo nên hiệu ứng tốt như thế. Đó là việc thanh niên lập nghiệp vẫn còn khó khăn; nhất là việc học nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn làm ăn… Rồi việc giải quyết những nhu cầu chính đáng và thiết yếu của thanh niên công nhân trong các khu công nghiệp, trong trí thức trẻ… vẫn còn là những “ẩn số”… Những vướng mắc trong thời gian qua vẫn là do cách làm của chính tổ chức Đoàn, Hội và thanh niên; từ đó chưa tạo động lực thu hút sự quan tâm hỗ trợ một cách cụ thể và thiết thực của toàn xã hội.
Như vậy, bài học về việc tự tìm ra “hiệu ứng đồng hành” của xã hội từ các hoạt động tình nguyện, chính là lời giải của bài toán “đồng hành” cùng thanh niên của tổ chức Đoàn, Hội cho các hoạt động khác, từ đó đạt được mục tiêu mà mình đặt ra.
NGUYỄN THÀNH
.
.
Khi thanh niên được “đồng hành”
Thứ Tư, 09/07/2008, 08:53 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.