Ngay sau Chiến dịch “Tiếp sức mùa thi” với việc tư vấn, giúp đỡ cho hàng chục ngàn thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng, trong những ngày qua, các bạn thanh niên lại náo nức lên đường, đến với các địa phương còn khó khăn để thực hiện một chiến dịch tình nguyện có ý nghĩa nữa: Giúp đỡ nhân dân xây dựng, sửa chữa hệ thống hạ tầng giao thông, phương tiện sinh hoạt; thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh-liệt sĩ; chăm sóc, giúp đỡ thiếu nhi và ôn tập hè cho học sinh khó khăn...
Thế nhưng, trong không khí “ra đi” đầy khí thế ấy, ngoảnh lại sau lưng, là một “khoảng trống” mùa hè của thanh-thiếu nhi thành phố mà ai cũng có thể cảm nhận được. “Khoảng trống” ấy đã tạo nên sự hụt hẫng của một “sân chơi” mang tính toàn diện trong các hoạt động của giới trẻ trong mỗi mùa hè đến. Theo Kế hoạch số 2912/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo hoạt động hè thành phố về việc tổ chức các hoạt động hè cho thanh-thiếu nhi, học sinh năm 2008, có một con số rất cụ thể được đặt ra, đó là “yêu cầu các cấp, các ngành vận động ít nhất 50% thiếu nhi trên địa bàn tham gia sinh hoạt hè thường xuyên”.
Thế nhưng, đã hai phần ba mùa hè đi qua, nhìn vào thực tế, ai dám bảo đảm rằng ở địa phương mình, việc vận động thiếu nhi tham gia sinh hoạt hè thường xuyên là một việc làm suôn sẻ và đến cuối mùa, kết quả sẽ đạt được như đề ra. Hãy nhìn vào các rạp chiếu phim miễn phí cho thiếu nhi mà xem. Đã miễn phí hoàn toàn nhưng có bao nhiêu em đến rạp để xem những bộ phim-theo các em, là đã cũ hoặc chiếu theo kiểu “ban phát” nên chất lượng không bảo đảm. Một tiêu chí rất “tình nguyện” cũng được đặt ra là “duy trì và mở rộng các lớp ôn tập hè bảo đảm nội dung và số lượng học sinh, duy trì nền nếp lớp học”.
Chỉ ở những vùng nông thôn, miền núi còn gặp khó khăn, khi có bóng dáng thanh niên tình nguyện, thì mới có lớp học này với số lượng không nhiều. Còn đại đa số là đến các lớp “học hè” do giáo viên của các cơ sở giáo dục đảm nhận (dĩ nhiên là không miễn phí!), nhưng không phải để ôn tập văn hóa mà là một khóa học “tiền khai giảng” đúng nghĩa. Cơ sở hạ tầng của các sân chơi xuống cấp; các thiết chế dành cho việc tập hợp, tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí... cho thanh-thiếu nhi dường như là con số “không”... Đó là chưa nói, kinh phí và nhân lực dành cho các hoạt động của Đoàn-Hội Thanh niên và các ngành, địa phương chỉ dồn cho vài hoạt động là hết, nên không còn đủ sức nào trải dài ra trong suốt 3 tháng hè và dành cho mọi đối tượng thanh-thiếu nhi.
Những vấn đề này, trong các dịp tổng kết công tác hoạt động hè năm nào cũng được các cấp, từ địa phương tới thành phố và các sở, ban, ngành... cùng đề cập đến. Thế nhưng, những giải pháp khắc phục không bao giờ được bàn đến để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo nên một kết quả tích cực hơn để lấp các “khoảng trống” trong mùa hè năm sau. Cụ thể như việc phối hợp tổ chức hoạt động dường như ngày càng “đuối” dần, theo hướng từ thành phố đến cơ sở; mà nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng “khoán trắng” việc tổ chức hoạt động hè cho Đoàn, Hội Thanh niên.
Trong khi đó, kế hoạch hoạt động năm nào cũng xác định “huy động mọi lực lượng và cơ sở vật chất cho việc tổ chức hoạt động hè cho thanh-thiếu nhi, học sinh”; ban bệ thành lập ra không thiếu một vị đại diện nào! Cũng chính từ việc xem nhẹ hoạt động hè của các vị lãnh đạo địa phương, ban, ngành... như vậy, đã tạo nên nhận thức và tâm lý chưa xem các hoạt động hè được tổ chức là “bổ ích, lành mạnh, an toàn”, là “sân chơi” thực sự đúng nghĩa “để các em phát triển toàn diện” từ các bậc phụ huynh.
Vì thế, cũng không trách gì các bậc phụ huynh khi họ không vận động, khuyến khích con em mình tham gia các hoạt động hè, mà tìm mọi cách quản lý chặt chẽ; trong đó hữu hiệu nhất là gửi ở các lớp “học hè”. Đó là chưa nói, các hoạt động dịch vụ hiện nay bao giờ cũng “ăn đứt” hoạt động “công” được tổ chức miễn phí; trong khi các em và phụ huynh bao giờ cũng có nhiều lựa chọn. Với cách làm như hiện nay thì đến bao giờ mới lấp được những “khoảng trống” mùa hè như thế?
NGUYỄN THÀNH
.
.
“Khoảng trống” mùa hè
Thứ Ba, 29/07/2008, 08:59 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.