.

Lời cảnh báo về môi trường

Ngày 27-6-2008, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã chính thức công bố báo cáo “Đánh giá và phân tích tác động ô nhiễm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của  Việt Nam”.

Trong số 10 tỉnh, thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất, Đà Nẵng đứng vị trí thứ 8, với 10 xã, phường điển hình về ba loại hình ô nhiễm (Đất - nước - không khí): Hòa Khánh, Hòa Hiệp, Hòa Cường, Phước Ninh, Thuận Phước, Thanh Lộc Đán, An Khê, Hòa Thọ, Thọ Quang, Bắc Mỹ An, chiếm 88% tổng tải lượng ô nhiễm của thành phố.

Trên tinh thần hết sức cầu thị, cần thừa nhận đây là báo cáo độc lập, do một tổ chức chuyên nghiệp tiến hành, mặc dù chỉ mang tính chất trình diễn cục bộ để tham khảo, nhưng đã đặt ra những vấn nạn chủ yếu về môi trường rất đáng quan tâm. Việc nghiêm túc nhìn nhận lại mình là cơ hội để Đà Nẵng phấn đấu tốt hơn vì mục tiêu trở thành Thành phố Môi trường. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra đích danh các “Tụ điểm ô nhiễm nhất” trên địa bàn thành phố, phản ánh khá chính xác thực trạng lâu nay mà ngành Môi trường đang phải vất vả tập trung xử lý.

Hầu hết các điểm ô nhiễm này người dân đã kêu ca, kiến nghị, kể cả phản ứng một cách bức xúc nhiều lần, nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Ngoài ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp gây ra, mang hậu quả ngấm ngầm, lâu dài rất khó xử lý, còn có hiện tượng ô nhiễm kéo dài bắt nguồn từ các nguồn rác thải sinh hoạt và y tế, từ nước thải thông qua hệ thống cống rãnh đổ ra biển chưa hợp lý… ít nhiều làm xấu đi hình ảnh tươi đẹp của một thành phố biển du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, và trên thực tế đã để lại nhiều phản cảm, cũng như không ít lời phàn nàn của du khách.
 
Cũng cần lưu ý thêm rằng, bên cạnh các loại hình ô nhiễm cơ bản về đất, nước và không khí, những hành vi như phá vỡ cảnh quan kiến trúc và thiên nhiên, tàn phá rừng, thiếu ý thức bảo vệ cây cỏ, sinh vật quý hiếm, mất vệ sinh công cộng, lấn chiếm lòng lề đường, gây rối trật tự an toàn giao thông... thực chất cũng là những hình thức gây ô nhiễm môi trường cuộc sống, trực tiếp làm ảnh hưởng xấu đến trạng thái cân bằng tinh thần của con người.

Một điều rất may mắn là lãnh đạo chính quyền thành phố đã lựa chọn và đưa ra quyết sách đúng trong việc định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Đã có những quyết định sáng suốt khi từ chối nhiều dự án đầu tư công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao, ưu tiên phát triển mạnh mẽ du lịch và dịch vụ, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát động nhiều sáng kiến hữu ích trong việc xây dựng môi trường xã hội lành mạnh như phong trào “Xanh-Sạch-Sáng”, các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”...

Suy cho cùng, chiến lược bảo vệ môi trường bền vững đòi hỏi phải song hành và gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tích cực, có tính nhân văn cao. Trong đó tiêu chí về bảo vệ môi trường phải đặt lên hàng đầu trong mọi kế hoạch, dự án phát triển, đặc biệt là những kế hoạch trung - dài hạn. Cần sớm ban hành cơ chế cộng đồng trách nhiệm chặt chẽ, phát huy mạnh mẽ sức dân nhằm bảo đảm những tiêu chí về môi trường được thực thi một cách triệt để đến từng ngành, cơ quan, doanh nghiệp, và các hộ gia đình.
 
Đến thời điểm này, có lẽ không ai có thể ngăn cản được quyết tâm trở thành Thành phố Môi trường của Đà Nẵng, ngoại trừ chính bản thân các cấp lãnh đạo chính quyền và từng người dân thành phố. Và để có thể vượt qua chính mình, tất cả chúng ta cần thực sự cầu thị trước những lời cảnh báo nghiêm túc và thiện chí của Ngân hàng Thế giới.

VĨNH PHƯỚC

;
.
.
.
.
.