.

Nhân ngày 27-7, nghĩ về một chuyện từ nước Nga

Khoảng 7, 8 năm trước đây, xem ti-vi, thấy cảnh các cựu chiến binh Nga xếp hàng dài để nhận được một suất cháo từ thiện, lòng chúng ta như bị xát muối. Những người chiến thắng phát xít, cứu cả nhân loại thoát khỏi họa diệt chủng, những người đã đưa nước Nga trở thành một cường quốc vũ trụ, tại sao lại phải chịu đựng một cuộc sống khốn khổ đến vậy.

May sao những ngày cơ cực ấy đã qua đi. Nước Nga đã lại trở thành một nước giàu mạnh, có lợi thế vô cùng quan trọng về dầu mỏ và khí đốt, có tiếng nói đầy uy lực trên các diễn đàn quốc tế. Và chúng ta nhận được những tin vui. Chính phủ Nga đã và sẽ thực hiện những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các cựu chiến binh.

Vừa qua, 33.000 người đã được cấp xe hơi và theo kế hoạch 53.000 người sẽ được cấp căn hộ (chiến thắng phát xít đã diễn ra cách đây hơn 60 năm, số cựu chiến binh đã tham gia cuộc chiến hẳn là không còn bao nhiêu).

Những sự đãi ngộ thích đáng ấy, chứng tỏ những người cầm quyền ở nước Nga hôm nay (cả Putin và Medvedev đều sinh sau ngày chiến thắng 9-5-1945) luôn biết ơn và biết đối xử đúng đạo lý với những ai đã góp phần làm nên lịch sử dù lịch sử ấy có rất nhiều vinh quang nhưng cũng không ít cay đắng. Và trong lúc chúng ta cũng như nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với lạm phát, chuyện nước Nga cũng là một bài học về bảo đảm an sinh xã hội.

Xã hội chúng ta trong những ngày gồng mình kiềm chế lạm phát này có rất nhiều đối tượng cần được quan tâm và những người, những gia đình có công với cách mạng phải được đặt ở vị trí hàng đầu. Trong khả năng của ngân sách Nhà nước thời thắt chặt chi tiêu này, vấn đề là ở chỗ lựa chọn ưu tiên. Vừa qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng và thành tích trong lĩnh vực đền ơn đáp nghĩa. Nhưng lúc này có lẽ cần có các quyết sách có ý nghĩa đột phá. Như (theo thiển nghĩ) có thể: Tăng gấp đôi hoặc 50% mức trợ cấp đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh nặng và những người tham gia trước Cách mạng Tháng Tám.

Nhà tình nghĩa xây cho các đối tượng trên không phải là những ngôi nhà cấp 4 nhỏ, đơn sơ tùy thuộc kết quả vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa mà được bảo đảm bằng ngân sách và là các ngôi nhà kiên cố, đủ tiện nghi, tất nhiên có hoan nghênh sự đóng góp của xã hội để các ngôi nhà ấy to đẹp đàng hoàng.
Mở ngay cho mỗi người một sổ tiết kiệm (tài khoản) ít nhất là 30 triệu đồng và họ được toàn quyền sử dụng vào các việc mà họ muốn.

Trong cơ chế mới, các đại gia có thể mua các xe hơi giá cả chục tỷ đồng, có người còn mua máy bay giá nhiều triệu đô-la, thì ngân sách Nhà nước (do sự đóng góp của nhân dân) cũng có thể dành sự ưu đãi đặc biệt cho các đối tượng đặc biệt.Chắc chắn sẽ không có ai tỵ nạnh, hơn thế cả xã hội sẽ đồng thuận, mọi người sẽ chung một tiếng nói Đảng và Nhà nước làm như vậy là đúng với đạo lý uống nước nhớ nguồn, là chí phải.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.