.

Nhu cầu của chính đời sống

Không còn là một khái niệm mơ hồ nữa, mọi người Việt Nam đều đã ít nhiều thấm thía ô nhiễm môi trường nguy hại như thế nào tới đời sống của mình. Sự ô nhiễm môi trường, nhất là ở các thành phố lớn giờ đây đã thâm nhập vào tận giường ngủ của mỗi người.
 
Khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi hám từ các nguồn nước thải,  các căn bệnh mạn tính, căn bệnh xã hội và cả sự nguy hiểm rình rập trong mỗi bữa ăn đang làm tổn hại không chỉ thế hệ hôm nay mà cho cả nhiều thế hệ tương lai.

Nhìn rộng hơn, rừng bị tàn phá trơ trụi, các dòng sông đang chết dần để trở thành những dòng nước cống khổng lồ, rác ngập ngụa dưới đáy biển và trên mặt đất, thuốc bảo vệ thực vật và chất thải công nghiệp đang giết dần tôm, cua, cá, ếch nhái và nhiều loại côn trùng trên cánh đồng, chim chóc, hải sản trên rừng và dưới biển. Không còn sớm nữa khi gióng lên hồi chuông báo động Việt Nam đang là một trong số những quốc gia  môi trường sống bị nhiễm bẩn nhất trên thế giới; sự phát triển kém bền vững hiện nay của Việt Nam có nguyên nhân rất lớn từ việc môi trường bị hủy hoại không thương tiếc.

Tiếng chuông cảnh báo ấy trong những ngày vừa qua đã vang lên trong hội trường Quốc hội, trong chương trình làm việc của Chính phủ và nhiều bộ, ngành. Trong một hội nghị khoa học gần tuần qua tại Bộ Công an, các diễn giả cho biết mặc dù Bộ luật Hình sự đã có một chương riêng với 10 điều luật gồm 15 tội danh về  tội phạm môi trường nhưng sau 9 năm thi hành, mới xử được 2 tội danh là hủy hoại rừng và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã và xử cũng chưa triệt để, còn 13 tội danh khác không xử được.
 
Lý do không thực thi được được nêu lên là do thiếu văn bản hướng dẫn, vướng về thủ tục hành chính, thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm giữa các ngành và địa phương. Còn Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua từ năm 1993, mặc dù đã có những đóng góp tích cực nhất định nhưng đã đến lúc cần phải bổ sung, sửa đổi nhiều điều do nhiều quy định đã lạc hậu, quá chung chung, quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Trên nền pháp luật chưa chặt chẽ và chưa được thi hành nghiêm, ý thức của những người thực thi pháp luật và người dân chưa cao nên mặc cho đã có rất nhiều tiếng nói khẩn thiết, môi trường vẫn tiếp tục bị hủy hoại từ nhiều hướng. Theo Bộ Công an, trong 3 năm từ 2003 đến 2006 đã có 2.000 container chứa 36.000 tấn rác thải công nghiệp, rác thải tin học cực kỳ độc hại được nhập lậu vào nước ta. Theo Bộ Tài nguyên-Môi trường, 70% nước thải từ các cơ sở công nghiệp trong đó có cả các cơ sở thuộc trên 100 khu công nghiệp có hạ tầng được xây dựng trước khi cho thuê đất vẫn xả trực tiếp nước thải ra môi trường.

Bộ này cũng đã kiến nghị di dời 4.000 cơ sở công nghiệp không bảo đảm điều kiện môi trường ra khỏi khu dân cư và xử lý 1.400 làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề ở nông thôn nhưng sự chuyển biến chưa đáng kể. Theo Bộ Y tế, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan đang tàn phá  hệ sinh thái của nước ta. Riêng 2 năm qua, đã có 6.000 trường hợp ngộ độc từ thuốc bảo vệ thực vật. Tại một cuộc hội thảo quốc tế về nước, người ta được biết 70% các dòng sông  và 40% tầng nước ngầm ở Việt Nam đã bị nhiễm mặn và  ô nhiễm nặng do việc khoan giếng và sử dụng nước bừa bãi.

Điều quyết định là ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào cuộc sống của người dân gắn liền với rừng, biển, sông ngòi, đất đai thì nơi ấy rừng, biển, sông ngòi, đất đai được bảo vệ. Vài năm gần đây, môi trường tự nhiên, môi trường sống của Huế, Hội An tốt lên rất nhiều do sự xanh, sạch, đẹp ở nơi đó quyết định thu nhập của dân cư từ du lịch. Thành phố Đà Nẵng vừa có sáng kiến rất đáng hoan nghênh là phấn đấu xây dựng thương hiệu “Thành phố môi trường” lần đầu tiên ở Việt Nam.

Có được sáng kiến đó sâu xa là do đòi hỏi của chính sự phát triển bền vững. Ai cũng nhận thấy gần 10 năm qua, Đà Nẵng đã phát triển nhanh trên nhiều mặt. Nhưng cũng do phát triển nhanh, tình trạng xuống cấp về môi trường ngày càng gay gắt. Bãi biển Thanh Bình, bãi biển Mỹ Khê bị nhiễm bẩn nghiêm trọng do nước thải chưa qua xử lý và rác. Các bãi tắm đẹp đang bị chia cắt, chiếm giữ không còn chỗ cho khách tắm tự do. Tài nguyên biển ven bờ đã cạn kiệt. Làng Đá mỹ nghệ Non Nước là một trong những địa chỉ môi trường bị ô nhiễm cao.
 
Đến Đà Nẵng, người ta không chịu nổi mùi hôi thối ở khu công nghiệp dịch vụ thủy sản và những cống nước thải dân sinh đổ thẳng ra biển. Tất cả những điều vừa nói đe dọa cuộc sống của chính người Đà Nẵng và họ đang tự giác làm một cuộc thay đổi và đó là sự thay đổi sâu sắc vì nó bắt nguồn từ chính cuộc sống.

VŨ DUY THÔNG

;
.
.
.
.
.