Thời gian gần đây có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy thị trường ngoại tệ đang dần hạ nhiệt. Sau nhiều ngày đứng giá ở mức cao, từ ngày 11-7 đến chiều qua (14-7-2008), lần đầu tiên giá USD trên thị trường tự do đã xuống ngưỡng 17.000 đồng/USD, chênh lệch so với mức giá niêm yết tại các ngân hàng dao động chung quanh 16.800 - 16.845 đồng/USD đã có sự thu hẹp đáng kể.
Với nhiều nỗ lực khác nhau, từ việc hạn chế nhập siêu, tăng biên độ giao dịch lên 2%, chấn chỉnh mạng lưới thu đổi, tăng mức cung ứng ngoại tệ bán ra thị trường.... Trong đó, chủ trương nới lỏng biên độ giao dịch được xem như là giải pháp mang tính thị trường nhiều nhất, đóng vai trò quyết định, vừa tạo ra không gian linh hoạt để tỷ giá tiếp cận gần hơn với tín hiệu thị trường, vừa từng bước giúp khôi phục vị thế chủ lực của hệ thống ngân hàng trên thị trường ngoại hối.
Những tín hiệu lạc quan trên bước đầu mang lại sự ổn định tâm lý, củng cố thêm lòng tin của công luận vào các nỗ lực chống lạm phát của Chính phủ. Tất nhiên, hãy còn quá sớm để kết luận rằng thị trường ngoại hối Việt Nam đang đi vào thế vững chắc, bởi còn khá nhiều những nhân tố bất ổn và khuyết tật quản lý tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa thể khắc phục được trong một sớm một chiều. Điều này thể hiện rất rõ qua những chỉ tiêu cân đối vĩ mô như mức nhập siêu cao, cán cân thương mại bị thâm thủng kéo dài, thị trường ngoại hối tự do mặc dù là “thực thể vô thừa nhận” nhưng đôi khi lại trở thành tác nhân dẫn dắt làm rối loạn thị trường...
Về mặt lý thuyết, “Đô-la hóa” là tình trạng mà tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm trên 30% trong tổng khối tiền tệ mở rộng bao gồm: Tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ngoại tệ. Việt Nam đang ở ngưỡng trên 20%, trong khi các nước cùng khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia chỉ vào khoảng 7 - 10%... Vấn đề quan trọng không phải là phủ nhận hoàn toàn hiện tượng “đô-la hóa” bởi đây là đặc trưng phổ biến ở những nước có xuất phát điểm thấp đang trong quá trình chuyển đổi, mà chính là tìm ra giải pháp căn cơ để tăng cường biện pháp quản lý phù hợp với thực tiễn muôn hình muôn vẻ.
Trong mô hình kinh tế thị trường hoàn thiện, hiệu quả của cơ chế quản lý kinh tế nói chung, cũng như lĩnh vực quản lý ngoại hối nói riêng, phải luôn luôn dựa trên căn bản các giải pháp thị trường là chính. Nguyên tắc này tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ dàng thực hiện nếu không có quyết tâm chính trị cao đi đôi với một nhãn quan điều hành mang tầm chiến lược. Có một thực tế, trong quá trình xây dựng luật lệ hoặc ban hành các chính sách kinh tế, đôi khi tư duy quản lý hành chính vẫn thường lấn át tư duy thị trường, dẫn đến méo mó cung - cầu, tạo kẽ hở tiêu cực cho các thế lực ngấm ngầm có nhiều cơ may tồn tại đến mức khuynh đảo cả lực lượng chính thống.
Bài học chống lạm phát từ những năm 80 cho thấy: Tỷ giá chính thức lúc đó do Nhà nước công bố chỉ là 368,2 đồng/USD so với thị trường tự do là 4.300 đồng/USD. Sau khi áp dụng biện pháp nới lỏng tỷ giá chưa từng có với mức tăng lên gần 10 lần, khoảng 3.000 đồng/USD, cán cân thương mại ngay lập tức có sự thay đổi lớn: Tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lập tức giảm mạnh từ 47,6% trong năm 1986 xuống gần như cân bằng vào năm 1989, thậm chí đã có xuất siêu vào năm 1990. Ý nghĩa thời sự của vấn đề là ở chỗ, mọi giải pháp thị trường trước hết phải xuất phát từ chỗ tôn trọng thực tế khách quan, từng bước khắc chế, đi đến làm chủ nó bằng sự lớn lên của chính nội lực do bản thân thị trường tạo ra.
TÂM DÂN
.
.
Những tín hiệu lạc quan
Thứ Ba, 15/07/2008, 08:26 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.