.

Nỗ lực bình ổn giá thuốc

Liên tiếp trong hai tuần qua, vấn đề giá thuốc tăng và những điều chỉnh về giá thuốc sau thời điểm 1-7 đã khiến dư luận xã hội hết sức quan tâm với nhiều nỗi lo. Khảo sát mới đây từ ngành Y tế thành phố cho thấy, giá thuốc tại thị trường Đà Nẵng đã tăng từ 1% đến 30%.
 
Biên độ tăng giá này được đánh giá là thấp hơn so với hai đầu đất nước. Tuy vậy, liệu cuộc khảo sát trên có phản ánh đúng thực tế thị trường thuốc tân dược vốn luôn “nóng” về giá trong thời gian vừa qua, khi mới chỉ khảo sát 15 đơn vị? Thực tế cho thấy, giá thuốc bán lẻ tại một số quầy thuốc tư nhân hiện nay xấp xỉ và cao hơn mức giá khảo sát.

Rõ ràng là một khi giá thuốc tăng mạnh, chịu thiệt thòi nhất vẫn là hàng ngàn bệnh nhân nghèo vốn mang trên mình nhiều bệnh nan y, khó chữa. Người nghèo đã khốn đốn vì giá tiêu dùng tăng đồng loạt, nay giá thuốc lại bắt đầu theo chân những nhóm hàng hóa khác thì nguy cơ không có khả năng chi trả viện phí và các khoản chi trả ngoài khung Bảo hiểm Y tế là điều đang hiện hữu.

Trong thời điểm lạm phát cao, người dân có thể tính toán để cắt giảm việc chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày như điện, nước, ăn uống…, nhưng khó có thể chấp nhận việc thôi không uống thuốc để lành bệnh. Để ổn định tình hình, bình ổn giá thuốc, Bộ Y tế đã thành lập tổ công tác liên ngành để tiếp nhận hồ sơ xem xét việc điều chỉnh giá thuốc cho các doanh nghiệp.

Theo đó, Cục Quản lý Dược sẽ xem xét việc kê khai lại giá thuốc trên cơ sở, ưu tiên xem xét điều chỉnh tăng giá các thuốc chuyên khoa, đặc trị để tránh hiện tượng thiếu thuốc cục bộ phục vụ công tác phòng, chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung ứng thuốc điều trị tại các bệnh viện lớn của thành phố ít nhiều đã cho thấy sự biến động về số lượng và nguồn hàng. Nhất là các mặt hàng thuốc đặc trị các nhóm bệnh như thận, tim mạch, thần kinh…

Thậm chí, trong khoảng một vài ngày qua, một số mặt hàng thuốc thiết yếu đã bị nhà thầu cắt hàng do không tìm được nhà cung cấp. Thực tế này đang đặt ra khó khăn rất lớn đối với các cơ sở thực hiện chức năng KCB của thành phố. Bởi nguồn kinh phí chi trả chính cho các đơn vị cung ứng thầu phụ thuộc vào chi trả từ Bảo hiểm Xã hội.

Để bình ổn giá thuốc và bảo vệ quyền lợi của người dân, Bộ Y tế đã chính thức đưa ra khung giá thuốc bán lẻ tạm thời tại các bệnh viện không quá 20% giá gốc ở nhiều mức thặng giá khác nhau, tuy vậy phải chờ đến ngày 1-1-2009, quy định này mới có hiệu lực chính thức. Trong thời điểm này, việc bình ổn giá thuốc là việc làm cấp bách cần được các cơ quan có liên quan của thành phố phối hợp thực hiện sớm.

Trước mắt, Sở Y tế đã có kế hoạch phối hợp với các Sở Tài chính, Công thương thành lập tổ công tác liên ngành để triển khai tiếp nhận hồ sơ kê khai và xem xét tính hợp lý của giá thuốc đề nghị tăng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để tránh hiện tượng “đục nước béo cò”, giật dây tăng giá ồ ạt của các doanh nghiệp và đơn vị cung ứng, lực lượng Thanh tra ngành Y tế cần thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất giá thuốc cung ứng, bán sỉ cũng như bán lẻ trên địa bàn.
 
Các trường hợp đầu cơ, độc quyền hoặc liên kết để nâng giá, ghim hàng dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc trên thị trường và các cơ sở KCB phải được lên án, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Có thể thấy, nỗi lo vì thiếu thuốc và thiết bị y tế phục vụ khám và điều trị của bệnh viện; người dân khốn đốn vì không mua được thuốc tốt và mua với giá đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi để trị bệnh là điều có thật.

Vô hình trung, người nghèo một vai nhưng phải “nai lưng” nhiều gánh sẽ khiến cho chất lượng cuộc sống đi thụt lùi. Người dân và dư luận đang chờ đợi những động thái tích cực từ các cơ quan chức năng để giá thuốc được giữ ở mức ổn định, nhằm giảm áp lực khó khăn đè lên người nghèo.

VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.