.

Nỗi lo tăng nhanh dân số

Hôm nay, ngày 11-7, là Ngày Dân số Thế giới. Tình hình dân số của thế giới ngày một tăng lên, kéo theo những khó khăn về lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt, thuốc chữa bệnh, ô nhiễm môi trường, v.v… luôn là đề tài đáng quan tâm của các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới. Cùng với cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, vấn đề dân số đang có chiều hướng tăng lên là một trong những nỗi lo của toàn xã hội.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, thế nhưng tỷ lệ sinh ở thành phố Đà Nẵng vẫn còn cao và có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. 5 tháng đầu năm nay, thành phố Đà Nẵng đã có 4.848 trẻ sinh ra, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái 607 trẻ, trong đó sinh con thứ ba là 443 trẻ.
 
Theo số liệu điều tra mới nhất của Cục Thống kê thành phố cho thấy, nhân khẩu bình quân một hộ chung toàn thành phố Đà Nẵng là 4,51 người. Như vậy, nhân khẩu bình quân 1 hộ đang có xu hướng tăng lên so với những năm trước. Xu hướng này diễn ra đối với cả khu vực thành thị, nông thôn và nhóm thu nhập. Nhân khẩu bình quân 1 hộ ở khu vực nông thôn tăng rất nhanh từ 4,15 nhân khẩu/hộ lên 5,53 nhân khẩu/hộ; xét theo nhóm thu nhập thì nhóm 1 (nhóm các hộ nghèo nhất) có số nhân khẩu bình quân một hộ là 5 người, cao gấp 1,16 lần so với nhóm 5 (nhóm các hộ giàu nhất).

Số nhân khẩu trong hộ, số nhân khẩu theo tuổi lao động và số nhân khẩu phụ thuộc ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến đến đời sống của mỗi gia đình. Mặc dù đông người không phải là nguyên nhân duy nhất của đời sống khó khăn, nhưng thực tế cho thấy, những hộ có đời sống thấp thường là hộ có số người nhiều hơn mức bình quân. So sánh số nhân khẩu bình quân giữa các hộ thì hộ nghèo có số người nhiều hơn các hộ có mức sống cao.

Thực tiễn đã đúc kết, những cặp vợ chồng nghèo thường sinh con nhiều và do sinh con nhiều khiến cho họ thêm nghèo khó. Cái vòng luẩn quẩn đó cho đến nay vẫn là bài toán nan giải của toàn cầu, nhất là đối với các quốc gia nghèo, các nước đang phát triển…

Dân số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian gần đây tăng lên không chỉ do thu hút lực lượng lao động ngoài địa bàn (tăng cơ học) mà còn cả tăng dân số tự nhiên như phần trên đã phân tích. Thực tế hơn 10 năm qua, sự gia tăng dân số tự nhiên quả là vấn đề đáng báo động, ảnh hưởng không ít đến đời sống an sinh xã hội, đặc biệt khi mà giá lương thực, thực phẩm không ngừng gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của tầng lớp dân nghèo, có nhiều nhân khẩu.
 
Những gia đình đông con không chỉ lo chỗ ở, ăn uống, đi lại, học hành, chữa bệnh… mà xã hội thêm phần gánh vác về bệnh viện, trường học, vui chơi giải trí... Cho nên, hạn chế vấn đề gia tăng dân số không phải là trách nhiệm của riêng ai.

Mục tiêu của Đà Nẵng trong những năm đến là kinh tế của thành phố phải  bảo đảm tăng trưởng, tiến đến loại bỏ vĩnh viễn cái đói, giảm nhanh cái nghèo, tạo sự phát triển kinh tế và không ngừng nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu này, ngay từ bây giờ, thành phố phải tìm ra các giải pháp để hạn chế vấn đề gia tăng dân số, và đó là hướng đi bền vững, hiệu quả trong chương trình thực hiện xóa đói giảm nghèo của thành phố…

LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.