.

Sản phẩm của độc quyền

Chuyện mất điện, mất nước diễn ra mấy ngày qua tại Đà Nẵng đã thật sự trở thành đề tài bàn cãi không chỉ trên mặt báo mà ở cả nhiều công ty, nhà máy, ở những quán cà-phê và tại các công sở...

Nhiều người trầm ngâm trước những bài tường thuật, nhưng câu trả lời của các quan chức ở các đơn vị kinh doanh điện và nước trên các báo: Nhà máy nước không hoạt động được vì cúp điện, điện bị cắt là do sự cố trên lưới hoặc thiếu nguồn nên “điều độ quốc gia phải cắt khẩn cấp”.

Hết! Điệp khúc này cứ diễn đi diễn lại từ năm này đến năm khác và trở nên bình thường. Không ai chịu trách nhiệm trước nhu cầu của gần 1 triệu dân, những người đã ký hợp đồng mua điện và mua nước với những người bán điện, bán nước. Cũng chưa thấy ai phải bồi thường cho hàng tỷ đồng về những thiệt hại mà người dân và các doanh nghiệp phải gánh chịu do mất điện, mất nước gây ra.

Từ lâu nay người tiêu dùng đã quen với cách làm ăn không minh bạch và thiếu công bằng như vậy, nên đôi lúc cũng không biết phản ứng như thế nào cho hợp lẽ! Và cũng từ rất lâu rồi, tình trạng kinh doanh độc quyền ở các đơn vị cung ứng dịch vụ - dẫu có ký hợp đồng hẳn hoi - vẫn giành phần thắng về mình bằng những lý do khách quan và những lý luận kiểu “đổ thừa” ngon ơ như vừa kể. Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, nhiều câu hỏi mà người dân đã đặt ra cho các nhà chức trách: Liệu thiếu nguồn cung cấp hay thiếu nguồn điện sản xuất.

Nếu thiếu điện thì nguồn dự phòng ở đâu? Thiếu nguồn sao không cắt ở những khu vực phụ tải ít nhạy cảm hơn (và cần thiết phải thông báo trước) để không ảnh hưởng đến những dịch vụ thiết yếu liên quan nhiều nhất đến đời sống cộng đồng? Vì sao với những dự án rất lớn về vốn đầu tư như Nhà máy nước Cầu Đỏ lại không có nguồn cung cấp điện dự phòng? Và, vì sao sau những vụ cúp điện, cúp nước gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống nhân dân như vậy lại thiếu hẳn những lời xin lỗi công khai với khách hàng của những người có trách nhiệm?...Tính “phi thị trường” trong cách làm ăn đó không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế mà tác hại hơn ở chỗ nó đã tạo ra một não trạng mang tính xã hội khá nguy hại: Sự vô cảm!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.