.

Siêu lợi nhuận

Cũng như nhiều nước trên thế giới, nền kinh tế nước ta đang ở vào giai đoạn khó khăn. Lạm phát tuy có giảm nhưng không đáng kể và chưa giảm được sức ép của sự căng thẳng và toàn diện lên nhiều lĩnh vực xã hội, quốc kế, dân sinh. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên sức ỳ của lạm phát, khả năng “đề kháng” của căn bệnh chính là tình trạng siêu lợi nhuận của một số ngành kinh tế chủ chốt.

1- Giá xăng dầu được kiềm chế nhưng không thể ngăn cản được chuyện buôn lậu xăng dầu qua biên giới thì chẳng khác gì ta đang bao cấp cho cả Đông Dương. Cái lợi - siêu lợi nhuận, chỉ thuộc về một nhóm nhỏ kinh doanh xăng dầu, còn toàn bộ nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề. Đã đến lúc phải chọn “cái hại ít nhất”, tức là thị trường hóa xăng dầu (như việc tăng giá xăng lên 19.000 đồng/lít ngày 21-7-2008 vừa rồi là cần thiết), thậm chí là thả nổi, cho dù nó sẽ gây ra những khó khăn không nhỏ cho người nghèo.
 
Cách bù lỗ vào sự thâm hụt chi phí của người nghèo hoàn toàn có thể thực hiện theo mô thức hỗ trợ cho ngư dân. Tăng giá xăng dầu thực ra là cách buộc tất cả mọi ngành nghề, cơ quan, đơn vị phải tiết kiệm. Khi đó, tiết kiệm sẽ không còn là khẩu hiệu suông và thiếu hiệu quả như hiện nay.
 
2- Giá thuốc tây là “bài toán” day dứt suốt hàng chục năm trời. Người thiệt hại nhiều nhất vẫn là những người nghèo,  không thể tiếp cận được với giá đúng của thị trường. Gần như tất cả những cách làm từ trước đến nay với mục đích bình ổn - hạ thấp giá thuốc đều chỉ như đá ném ao bèo. Các cửa hàng dược phần lớn kinh doanh theo phương thức mượn danh dê (bằng dược sĩ) để bán thịt cầy, kinh doanh thuốc chữa bệnh theo cách mua cám, bán vàng.

Tại sao không thể có những chế tài thật mạnh như tước giấy phép kinh doanh, phạt thật nặng? Phạt vài trăm ngàn đồng hay vài triệu đồng đối với một cơ sở kinh doanh thu lãi ròng hàng trăm triệu đồng, chẳng khác gì việc doping cho sự lũng đoạn độc quyền. Sự kiện mới nhất của tính chất siêu lợi nhuận, sự quá đáng độc quyền là các nhà thầu cung ứng thuốc men, hóa chất xét nghiệm y tế…, đang từ chối cung cấp hàng cho các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh. Hãy cứu giúp người nghèo bằng các biện pháp cụ thể chứ không phải là lý thuyết chung chung. Đó là một trong những cách tốt nhất để xóa đói, giảm nghèo.

3- Ngành điện hiện nay đang là một trong những tác nhân nguy hiểm nhất của lạm phát kinh tế và bất ổn xã hội. Những thiệt hại do thiếu điện bất thường, tùy ý là không thể tính toán nổi nhưng chắc chắn là không dưới hàng tỷ đồng mỗi ngày. Hồng Kông có 1.103 km2 và hơn 7 triệu dân nhưng lại có đến 30.000 MW điện; còn nước ta với 87 triệu dân chỉ có 12.000 MW(!)? Số liệu trên là một của những số liệu khó hiểu nhất của nền văn minh đương đại.

Tại sao ngành điện có thể biện minh này nọ khi khoa học dự báo đã có đủ những chứng liệu rành rành như thế? Rõ ràng, sự độc quyền và cái cơ chế nhằm đẻ ra siêu lợi nhuận đang là tội phạm của sự thiếu điện trầm trọng. Tại sao không thể dự báo sớm hơn nhu cầu năng lượng của nền kinh tế để có biện pháp hiệu quả, lâu dài? Tại sao lại bán than để mua điện có từ than mình bán ra mà không thể mở rộng hơn nữa mạng lưới phát điện bằng nhiều cách đầu tư khác nhau? Thiếu điện theo cung cách như hiện nay (và còn kéo dài trong nhiều năm nữa) thì các nhà sản xuất muốn đỡ thua lỗ vì bị cắt điện, chỉ có con đường duy nhất là hối lộ cho nhà đèn.

Còn không ít những dạng siêu lợi nhuận khác mà khuôn khổ của một bài viết không thể chuyển tải nổi. Chỉ biết rằng chừng nào vẫn còn nước đục, chừng đó vẫn có cảnh buông câu. Chừng nào vẫn còn những sự độc quyền vô lối, chừng đó đất nước vẫn chưa thể ngẩng đầu. 
                                               
HÀ VĂN THỊNH

 

;
.
.
.
.
.