Sony Vietnam, một liên doanh giữa Hãng Sony danh tiếng của Nhật bản với Công ty cổ phần Điện tử (Vietronic) Tân Bình, đã chính thức thông báo đóng cửa sau gần 14 năm hoạt động, và dự kiến chuyển sang kinh doanh nhập khẩu thuần túy.
Trên góc độ thương trường, có lẽ không cần phải bình luận nhiều về sự kiện này, bởi đây là hiện tượng bình thường, là quyền tự chủ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đóng cửa hoặc chuyển hướng chiến lược của doanh nghiệp nói chung, trong đó Sony Việt Nam là ví dụ, bao giờ cũng được dẫn dắt bởi nhiều nhân tố và mang đến nhiều hệ lụy khác nhau, thông qua đó nhắn gửi những thông điệp quan trọng mà bản thân các nhà quản lý cần chiêm nghiệm để rút ra kết luận cần thiết.
Trước hết, sự chuyển hướng chiến lược của Sony tại thị trường Việt Nam đã minh chứng rõ hơn tác động sâu rộng, khắc nghiệt của tiến trình hội nhập sau khi nước ta gia nhập WTO. Sản phẩm điện tử dân dụng đang ngày càng hiện đại hơn với mức giá ngày càng rẻ, trong khi sản xuất nội địa dần trở nên mất ưu thế trước làn sóng cạnh tranh quốc tế do chính sách mở cửa và miễn giảm thuế nhập khẩu.
Kể từ nay, trên thị trường sẽ không tồn tại thương hiệu Sony Vietnam “vang bóng một thời” được gây dựng 14 năm qua với biết bao công sức, thay vào đó sẽ là thương hiệu Sony nhập khẩu từ chính quốc, hoặc từ quốc gia nào đó mà năng lực làm chủ công nghệ sản phẩm và trình độ marketing của họ đã khiến chúng ta phải chấp nhận vị thế “nốc ao” ngay trên sân nhà? Suốt một thời gian dài, việc thiết kế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hầu như chỉ hướng vào mục tiêu ngắn hạn, “ăn đong” là chính, nhằm tạo công ăn việc làm, bán hàng, thu thuế... hơn là kiên trì với chiến lược hun đúc lòng tự tôn dân tộc, tăng cường nội lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu bền vững cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nhìn ra nước ngoài, nhiều mô hình có xuất phát điểm tương tự như ta, cũng khởi đầu từ học hỏi thiên hạ, đi đến làm chủ công nghệ và thị trường, đã xây dựng thành công những thương hiệu hàng đầu thế giới, trở thành trụ cột để khuếch trương thương hiệu quốc gia như Samsung, LG, Hyundai của Hàn Quốc – Levono, Lifan, Haier, TCL của Trung Quốc - CP của Thái Lan – Proton của Malaysia...
Việc chấm dứt liên doanh Sony – Vietronic Tân Bình một lần nữa cho thấy ý nghĩa cực kỳ quan trọng của tinh thần doanh nghiệp, trong đó vai trò của người chủ doanh nghiệp là không thể thay thế. Doanh nghiệp mạnh thì đất nước mới vững bền, đây không chỉ là vấn đề thời sự trong bối cảnh hội nhập mà còn là kế sách chiến lược của sự phát triển. Trên thực tế, mọi chủ trương, chính sách cho dù có hoàn hảo đến đâu cũng không bao giờ có thể thay thế được ý chí quyết tâm, tinh thần bền bỉ và phương pháp kinh doanh đúng đắn của chủ doanh nghiệp.
Konosoke Masushita, nhà doanh nghiệp nổi tiếng người Nhật Bản, từ chỗ chỉ là một chủ cửa hàng bán đồ điện nhỏ bé đã vươn lên trở thành Chủ tịch Hãng điện tử Panasonic rạng danh toàn cầu. Ông đã đưa ra triết lý kinh doanh của chính mình, đó là: “Sứ mệnh chân chính là sản xuất những vật dụng có chất lượng cao và phổ biến rộng cho nhân dân Nhật Bản và toàn thế giới.
Sản phẩm được chấp nhận và hoan nghênh hay không là do những gì chúng ta cung ứng cho nhu cầu của đời sống, thỏa mãn được yêu cầu của mọi người. Điều sống còn là chúng ta phải coi trọng chất lượng sản phẩm chứ không hoàn toàn chỉ chú ý đến việc tiêu thụ. Chỉ cần sản phẩm có chất lượng tốt, thì dù có giá cao hơn một chút, người ta vẫn sẵn sàng mua”. Đối với ông “Xây dựng sản nghiệp chính là yêu nước ”.
Sự kiện Sony Vietnam chắc chắn không phải là trường hợp cá biệt. Trong thời gian đến, trào lưu hợp nhất, giải thể, phá sản hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh... sẽ diễn ra một cách phổ biến với quy mô lớn, ngày càng tinh vi. Chính vì vậy, thử thách gian nan dành cho các nhà quản lý và các nhà doanh nghiệp của chúng ta vẫn còn đang ở phía trước.
VĨNH PHƯỚC
.
.
Sự kiện Sony
Thứ Tư, 30/07/2008, 08:09 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.