Cuối cùng thì dù muốn hay không, trong các đánh giá về tính khả thi của đề án “Đà Nẵng - thành phố môi trường”, các ngành quản lý kinh tế Đà Nẵng cũng phải thừa nhận một thực trạng, đó là sự bất cập, thiếu đồng bộ về đầu tư quy hoạch, thiết kế chỉnh trang đô thị trên địa bàn trong mấy năm qua.
Đà Nẵng đã tăng tốc rất nhanh, để từ một thành phố manh mún có được vóc dáng bề thế hôm nay, nhưng tốc độ đó cũng để lại phía sau những lỗ hổng lớn về tầm nhìn quy hoạch, và tất cả đều đang trực tiếp tác động đến môi trường.
Chỉ đơn cử nói về hệ thống thoát nước thành phố. Sau 10 năm, với rất nhiều dự án, nhiều ban bệ lập nên rồi giải tán, bây giờ dưới chân thành phố là một mạng lưới các cống thoát nước vận hành như thế nào? Câu trả lời là kém hiệu quả. Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường đã đóng hồ sơ giai đoạn 1 gần 2 năm nay, nhưng đa số đường đấu nối với các tuyến cống dẫn rẽ ngang vẫn chưa thông, khiến các cống lớn của dự án có đồ sộ nhưng vẫn chỉ xử lý được phần nào mức độ úng ngập.
Hơn nữa, các hệ thống máy bơm thu gom, khả năng vận hành xử lý nước thải ở các trạm xử lý tập trung lại bị trở ngại. Có những đoạn đường mới mở rộng, cống to, nhưng máy bơm hỏng, phải chờ linh kiện thay thế từ nước ngoài gửi về, thế là nước thải ứ lên, dâng ngập cống và tràn lên đường phố, đổ ra sông biển. Hàng trăm triệu USD đầu tư để có một khả năng xử lý như thế, quả là điều bất cập. Lý do đưa ra, nhà quản lý tranh luận với ban quản lý, rốt cuộc quy về sự thiếu đồng bộ đấu nối của dự án với các cống thoát có sẵn. Khâu thiết kế, khảo sát, giám sát thi công đã làm việc thế nào để đưa đến cảnh này, không ai giải đáp dứt khoát được.
Nhìn vào bối cảnh đầu tư công nghiệp, lựa chọn vốn có của kinh tế Đà Nẵng hơn 30 năm qua, người ta cũng thấy rõ sự lúng túng của nhà quản lý khi phải làm lại bài toán quy hoạch. Cách đây 15 năm, không ai nghĩ rằng khu vực bán đảo Sơn Trà sẽ là điểm hút hấp dẫn về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thế nên khu công nghiệp đầu tiên của Đà Nẵng đã được đẩy về án ngữ ngay vị trí tiền tiêu của các bãi biển đẹp nơi đây.
Hậu quả mỗi ngày bờ biển Đà Nẵng nhìn ra biển Đông phải hứng chịu hàng trăm m3 nước thải bẩn, gây ô nhiễm kim loại nặng và mùi xú uế. Tương tự như thế, 2 khu công nghiệp Hòa Khánh và Liên Chiểu đang đặt ra bài toán xử lý ô nhiễm khí thải rất bức xúc cho dân cư tại quận phía bắc này, khi chúng được đặt ở các vị trí nhìn xuống vành đai vịnh Đà Nẵng. Gió phía tây và phía bắc sẽ luôn đẩy khí thải từ các nhà máy ở đây về phía vịnh và lan tỏa xuống trung tâm thành phố.
May mắn là thành phố đã kịp nhận ra để không chấp nhận duyệt các nhà máy xả khói đầu tư nữa! Đi qua từng lĩnh vực phát triển của Đà Nẵng, có thể điểm danh được rất nhiều điểm khuyết thiếu, bất cập như vậy, đều liên quan đến tầm nhìn ngắn hạn của quy hoạch phát triển. Dù các nhà quản lý đã “bào chữa” rằng các quy hoạch luôn được điều chỉnh trong 5 năm, nhưng phải chăng vì vậy mà thành phố chấp nhận mỗi lần quy hoạch sau lại phải lo xử lý tàn dư của bước quy hoạch trước? Trong khi đó, những tòa cao ốc vẫn tiếp tục mọc lên trên các con đường nhỏ hẹp, các cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục chen lấn cùng các khu dân cư, bãi rác thành phố tiếp tục khắc khoải với ý tưởng phải xử lý rác tại nguồn để giảm áp lực ô nhiễm...
Đó là chưa nói đến những bất cập trong định hướng quy hoạch lại chính nếp sống sinh hoạt của người dân thành phố, khi các loại rác thải không tự phân hủy ngày càng nhiều hơn, thái độ hờ hững với khí thải nhà kính, thiếu vắng cây xanh vẫn tiếp tục tồn tại dù các chương trình kêu gọi, vận động vẫn diễn ra. Chỉ cần nhìn vào những đám tang kéo dài cả tuần lễ, nổi kèn đánh trống inh ỏi cả một khu dân cư, hay những bịch rác vô tư vứt giữa đường, các gói thức ăn thừa tung tóe mặt phố, vẫn thấy Đà Nẵng còn cần nhiều động thái chấn chỉnh nghiêm túc hơn, đồng bộ hơn, xuất phát từ tầm nhìn quy hoạch, mới đạt đến tầm vóc thành phố môi trường mơ ước!
Uyên Nghi
.
.
Tầm nhìn quy hoạch – Hiệu quả môi trường
Chủ Nhật, 06/07/2008, 15:27 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.