Báo Đà Nẵng số ra ngày 17-7 đăng bài với nội dung trong thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung xảy ra nhiều vụ “vỡ nợ”, gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhiều người.
Nguyên nhân của hiện tượng trên có thể nhìn nhận từ hai phía, người đi vay và người cho vay. Đối với người đi vay, không loại trừ khả năng trước đó họ đã dính líu vào một đường dây nợ nần nào đó. Họ đang trong tình trạng mất khả năng trả nợ, vì vậy phải đi huy động của những người khác để thanh toán. Cũng có trường hợp họ đi huy động của người này để cho vay đối với người khác, với mức lãi suất cao hơn. Một khả năng khác là người đi vay cố tình lừa đảo người cho vay để chiếm đoạt số tiền lớn, sau đó giũ bỏ trách nhiệm của mình. Tuy nhiên theo chúng tôi, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn thuộc về phía người cho vay.
Người cho vay luôn quan tâm đến việc đồng vốn của mình sẽ được sinh lãi ở mức cao. Đó là tâm lý chung của nhiều người. Nhưng điều không đúng ở chỗ rất ít người cho vay tìm cách lý giải các câu hỏi: Tại sao người đi vay trả cho mình lãi suất cao như thế? Người đi vay sản xuất, kinh doanh cái gì? Tỷ suất lợi nhuận trên vốn của họ ra sao? Biện pháp gì bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của họ trong tương lai?...
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng trên địa bàn cũng là một dấu hiệu rất tốt để người cho vay tiền có thể tham khảo. Một vấn đề nữa là hệ thống ngân hàng thương mại, với đội ngũ nhân viên có thâm niên nghề nghiệp, với một hệ thống thủ tục tương đối tốt… mà trong cho vay vẫn xảy ra những rủi ro không thu hồi được nợ, vậy làm sao người cho vay có thể bảo toàn được nguồn vốn của mình khi người đi vay chỉ cam kết bằng một tờ giấy viết tay, thậm chí chỉ bằng một lời hứa?
Điểm mấu chốt nhất của tình hình lừa đảo, vỡ nợ trong “thị trường tín dụng đen” đều xuất phát từ ham muốn có lãi cao, lãi nhiều. Chúng tôi nghĩ rằng ham muốn đó là không có căn cứ. Giá như người cho vay tỉnh táo hơn, hiểu biết hơn thì sẽ không bao giờ chấp nhận một mức lãi cao ngất ngưởng mà người đi vay hứa trả cho mình. Được như vậy thì việc vay, mượn giữa các bên sẽ giảm thiểu những rủi ro không đáng có.
Vấn đề đặt ra là mỗi người phải tự chủ với đồng vốn của mình. Ông bà ta có câu: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Ai cũng biết điều đó, nhưng đôi khi chỉ vì ham muốn của mình, có người cũng đã tự mình làm cho “đồng tiền rời xa khúc ruột” để đến khi thấy được hậu quả thì không còn cách nào để khắc phục. Những người đi vay có hành vi sai trái rồi sẽ bị pháp luật xử lý theo quy định. Còn những người cho vay thì gánh chịu hậu quả nhãn tiền, khó mà khắc phục được trong một sớm, một chiều.
Thiết nghĩ, mọi người nên hết sức cân nhắc, thận trọng khi đưa những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình vào những địa chỉ chưa thật sự đáng tin cậy, như những người đi vay chấp nhận trả lãi suất cao bằng mọi giá đã từng xảy ra.
MINH HUY
.
.
Thấy gì qua những vụ “vỡ nợ”
Thứ Sáu, 18/07/2008, 09:37 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.