.

Thấy người mà nghĩ đến… ta

Trong những ngày qua, liên tiếp các vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Ở Hà Nội xảy ra cháy tầng hầm chung cư; tại Đồng Nai xảy ra cháy nhà máy thiệt hại hơn 15 tỷ đồng. Đặc biệt, vụ cháy chợ Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm thiệt hại hơn 150 tỷ đồng, khiến 300 hộ tiểu thương điêu đứng trong thời điểm “gạo châu, củi quế”...

Ở Đà Nẵng từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ hỏa hoạn lớn nào nhưng nguy cơ cháy nổ cao luôn rình rập, đặc biệt  đối với các chợ, trung tâm thương mại vốn đã xuống cấp như Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng, chợ Hàn… Đối với Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng, hạ tầng xuống cấp đang đe dọa tính mạng và tài sản của hơn 2.000 hộ kinh doanh và khoảng 10.000 lượt người mỗi ngày vào ra, mua bán.

Được biết, từ tháng 1- 2007, Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng và Công an thành phố đã có báo cáo với UBND thành phố về tình trạng xuống cấp của Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng cũng như những bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy ở đây. Nhưng đến thời điểm này, UBND thành phố mới có ý kiến giao cho ngành chức năng tiến hành công tác kiểm định thực trạng xuống cấp. Trong tháng 6-2008, Sở Xây dựng họp với các ban, ngành hữu quan xúc tiến ngay việc kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ xuống cấp về cơ sở vật chất của Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng hiện nay. Trên cơ sở này UBND thành phố cho chủ trương và lập kế hoạch đầu tư.

Theo quy hoạch đến năm 2010, thành phố sẽ có 52 chợ và trung tâm thương mại. Tình trạng xuống cấp ở các chợ là đáng báo động và đây là nguyên nhân dẫn đến mất an toàn cho người sử dụng và công tác phòng chống cháy nổ. Ở thời điểm hiện tại việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các chợ trong nội thành là khó khả thi, song các vụ cháy ở nhiều nơi là lời cảnh báo về công tác phòng chống cháy nổ. Hiện UBND thành phố đang chỉ đạo kêu gọi đầu tư nâng cấp các chợ lớn trong thành phố theo phương thức xã hội hóa.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân cháy là do sử dụng điện và thiết bị điện không an toàn. Do đó, để ngăn chặn đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ, cần xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy. Thứ hai, xây dựng lực lượng chữa cháy quần chúng thật sự mạnh. Thứ ba là nâng cao ý thức cộng đồng dân cư để phòng chống cháy nổ. 

Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nguy cơ cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản càng tăng lên. Những năm gần đây, các vụ cháy nổ lại thường xảy ra ở các khu công nghiệp và các khu nhà tạm, các khu chung cư. Đặc biệt đối với các chợ ẩn chứa những nguy cơ cháy nổ rất lớn. Do vậy, mọi người, mọi nhà cần nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

NAM PHƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.